id
stringlengths
1
8
url
stringlengths
31
618
title
stringlengths
1
250
text
stringlengths
11
513k
29909
https://vi.wikisource.org/wiki/C%E1%BA%A7u%20b%E1%BA%A1n
Cầu bạn
Tặng Nguyễn Khoa Toàn Ô mặt cầm trăng dạo khúc xưa Thế mà bạn cũ vẫn thờ ơ, Vẫn không hiểu thấu tình vô hạn Của tiếng lòng tôi hoạ tiếng tơ. Cầu bạn tôi dâng một quyển thơ E rồi bạn cũng vẫn thờ ơ, Vẫn không hiểu thấu tình âu yếm Chan chứa lòng tôi, toả bến bờ. Giòng chữ phải dâu gương phản chiếu Tâm hồn Thi sĩ phút say sưa. Chẳng qua phảng phất? Làn mây bạc Một buổi hoàng hôn dưới nước mờ. Thơ Việt Nam
29910
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%E1%BB%9Di%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di
Đời người
Kính tặng Lương Thúc Kỳ tiên sinh I Thuyền. Sóng cả. Bá, Thúc: Trúc. Châu, Y: Đi. Vinh hoa, Nhục nhã Gì gì Thuyền. Sóng cả. Chiếc lá: Đời người. khóc? - Cóc Cười! II Trầm - Trầm Về đất đen, Cùng đèn sáng. Mối Mây. Ai quá hay? Ai bợp tai? Ai sáng? ư? Thanh tư. Tư thủ. Hủ! Thơ Việt Nam
29911
https://vi.wikisource.org/wiki/T%C3%B4i%20v%C3%A0%20ta
Tôi và ta
Tặng Trịnh Thống Trong một ổ cây xanh và cỏ mướt: Làng tôi mà đã mấy năm trời Tôi chưa từng thấy lại và tôi Muốn trở lại sống như ngày trước. Hoặc những ngày trơn, không ký ức, Buổi mai, trưa, chiều tối và khuya Gần những người mộc mạc và chia Với họ thú vui không chừng mực; Hoặc những ngày đầy giọng ca, tiếng hát Của gái quê lẫn khuất dưới ngàn dâu, Của mục đồng sung sướng cỡi bầy trâu Theo bờ suối buổi trời êm và mát; Hoặc những ngày nặng nề, (nhưng may thay Phần ít!) Người nhà nông tiều tụy ngắm mây xa, Van vái trời cho nồm thổi, mưa sa Để thoát nạn đồng khô và cỏ cháy, Mỗi khi nhắc đến làng tôi, tôi nhớ Cảnh êm đềm của cuộc dân sinh: Trăng rằm lên, những cô gái xinh xinh Vai gánh nước, miệng nhai trầu, lòng hớn hở. Phải những phút hoàng hôn, buồn, tôi nhớ Đến làng tôi và đến nhà tôi Tôi ước mong sao được suốt đời Nơi quê ấy với dân quê cùng ở. Nhưng có lúc ta muốn ra đi, đi xa, đi mãi, Đi, -không bao giờ trở lại-, Trên đường đời dù khấp khểnh chông gai, Dưới gầm trời mặc mưa dầu, nắng dãi. Đi để đi, không mục đích, Miễn là không thấy lại hai lần Những cửa nhà, đồng ruộng, đám nhân dân Quá điềm tĩnh, quá ư tịch mịch. Ta muốn ra đi, vừa đi vừa hát Như người điên. Nhưng nào có điên! Chí hướng ta, nếu ta có, là sống liên miên Trên quả đất hẹp, dưới bầu trời to tát. Bạn ta, vì gia đình mạt sát, Sống tầm thường giữa mẹ, vợ và con. Tẩm bổ thân bằng thức ngọt, thức ngon... Tinh thần lấm vì dăm pho sách nát. Ta muốn lôi bạn ta đi, đi mãi, Băng núi, vượt sông, không sợ hãi, Không quan tâm đến sự sống ngày mai: Cứng lý rằng trời sinh cỏ để nuôi voi. Lắm lúc ta giận bạn ta u mê quá ngán: Thích mặc áo hoa, ăn cơm sang, đi đường phẳng Và nuôi to những nguyện vọng tầm thường, Sát đất. Ôi! Nghĩ đến bạn, ta thương Và khinh bỉ. Phải, ta thương và khinh bỉ Bạn ta: Suốt một đời chỉ Đọc những sách thường và biết Đâu sách Tạo vật nhiệm mầu! Ta, ta quyết Quên những bài ta học từ xưa Những câu mà ngày trước ta say sưa... Ta quên hẳn đi để màn óc ta mới mẻ, Cổi lớp quặng xưa, trở nên trong và trẻ Dễ đồng thanh với cảnh trí bầu trời: Rừng sâu, bể thẳm, cây đẹp, hoa tươi. Ta sẽ đứng đỉnh núi cao quanh năm tuyết phủ, Hoặc gành đá xa quanh năm sóng vỗ, Hát bài vô tư lự, bài ca tụng đấng Chí Linh Mà gió khẽ đưa lên tận khoảng mông Mênh. Tạo hóa sinh Ta. Ta sống vui cùng Tạo hóa. Vật chất: Hư vô. Chẳng cóc gì quí cả Ngoại linh hồn sáng suốt và trẻ trung Bỏ Thời gian mà sống mãi với Vô cùng. Thơ Việt Nam
29912
https://vi.wikisource.org/wiki/Ch%C3%B4n%20hoa
Chôn hoa
Tặng hương hồn Y sĩ Nguyễn Công Hoan Kìa nay xuân khí một bầu, Trăm hoa dệt gấm, cướp mầu tiên cung. Hồn ra xúc cảm vô cùng Dường nghe có tiếng hoa Hồng gọi ai: Anh có yêu Hoa đứng lại đây "Để cho Hoa tỏ mối can tràng "Kẻo mai Hoa héo rồi Hoa rụng "Anh có yêu Hoa cũng nhỡ nhàng. "Thân Hoa: chút phấn, chút hương, "Đời Hoa, ngày nắng đêm sương dãi dầu. "Yêu Hoa nào có ai đâu? "Ghét Hoa thế tục gán câu phong tình. " Tủi lòng. Hoa phải làm thinh. "Thế gian không kẻ biết mình. nói chi? "Hoa là đẹp "Đẹp là thi. "Xin anh xét anh suy trong vu trụ: "Nếu không Hoa vũ trụ có ra gì. "Khoảng mênh mông rúng động sóng hồn thi; "Hoa xếp cánh, hồn thi dần tiêu tán. "Mạch thi ráo, mực thi hầu cạn, "Phường thi gia ngao ngán nỗi sầu tây. "Nếu anh yêu đoá Hoa này "Thì anh chớ để đến ngày Hoa phai Hương. Hồng sợ gió bay, Cành. Hồng sợ gió lay, Sắc Hồng như ủ dột Trông từ ấy phải châu mày. Biết Hồng có ta đây. Yêu Hồng, Hồng nào biết Xét đến tấm hình này. Than thở xớt hay! Gặp gỡ duyên may! Xin rước Hồng về Cùng ở hiên tây. Hiên tây ta cắm đoá hoa Hồng. Dưới bóng đêm khuya nghểnh mặt trông. Thoang thoảng hương êm cùng sắc ấm Thu về thư viện sóng thi hồn. Hoa tàn nâng lấy đem chôn Mượn lòng quyển sách giữ hồn cánh hoa. Quyển vàng đến lúc giở ra, Mùi hương sẽ gợi lòng ta mối tình Thơ Việt Nam
29913
https://vi.wikisource.org/wiki/S%E1%BA%A7m%20S%C6%A1n%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20h%E1%BA%ADn
Sầm Sơn trường hận
Năm xưa vui thú Sầm Sơn Năm nay mới biết Sầm Sơn là buồn: Bể trào, gió thét, mây tuôn, Mảnh trăng tan tác, màn sương lờ mờ. Nhớ năm nọ cùng ai lững thững Tay bắt tay, lòng những dặn lòng. Trời khuya, một chiếc trăng trong Mây xa phơi phới bóng lồng thướt tha. Cành sa mộc là là trước gió Cái dã tràng mất tổ tìm quanh Hai ta lòng nặng vì tình Trót lời hải thệ, sơn mình đã nhiều. Khách: nhan sắc mĩ miều, diễm lệ, Vốn con dòng thì lễ trâm anh. Phúc nhà bẩm tính thông minh, Đã tinh nét hoạ lại sành câu thơ. Tuổi hăm mốt, đào tơ đương mởn; Anh trái xoan, dợn dợn sóng tình. Nước thu, cặp mắt long lanh. Đôi mày vòng nguyệt, núi xanh pha mầu. Lại phong nhã, thanh cao tuyệt diệu. Bậc ngũ âm đã chịu những ai? Luật Đường là ngón đặc tài: Có vài vịnh nguyệt, có vài vịnh hoa. Đứng ngắm cảnh Yên ba Sầm hải: Sóng bạch đầu qua, lại, xa, gần. Hồn thơ lai láng bội phần Phút đâu ứng khẩu mấy vần cổ thi. Khiếp thay nhẽ! Sinh tri dường ấy Khiếp mình quân nghe thấy kinh hoàng. Nghĩ thầm: "Phát lộ dung quang "Càng tài hoa lắm, càng oan trái nhiều. Đầu núi đã đìu hiu gio thốc Sư nhà chùa lần lượt chầu kinh. Thoảng nghe mấy tiếng chày kềnh Nam vô thâm niệm cho mình với ai. Nỗi tâm sự tình dài, đêm vắng: Sao đầu non, chiếc lặng, chiếc mờ. Xuân tàm vướng chặt mối tơ Keo sơn dường ấy bao giờ gỡ xong. Rằng: "Nay được như lòng sở nguyện "Gặp tình quân tại bến Sầm Sơn. "Đục trong đã rõ nguồn cơn "Câu thơ kim, cổ, khúc đờn cổ kim. "Đường tri kỷ em tìm bước tới "Ý trung nhân nay mới thấy đây. Trời cho gặp buổi hôm nay "Thân này kiếp trước tu đày lắm sao! "Xin đất thấp, trời cao chứng thệ "Với non xanh, với bể sóng cồn. "Xin nguyền gửi mảnh linh hồn "Cho người quân tử bảo tồn trăm năm. "Nhớ từ mẫu ruột tằm đau quặn "Nợ ái ân còn nặng bên vai! "Hôm nay tạm rẽ đường mây "Năm sau xin hẹn chốn này gặp nhau." Nghe lời nói như dao cắt ruột. Ngọn gió hiu lạnh buốt đến xương. Đếm làng hồi mõ tan sương, Bác chài đẩy mạnh chiếc lườn ra khơi. - "Xin bái phục mấy lời tâm lý "Đấng nam nhi hổ thỉ tang bồng "Giã nhà theo cuộc đỉnh chung "Lạ thay bãi bể là rừng đào nguyên. "Chúc ngọc thể bình yên khương thái "Cùng mẫu tử trọn lễ thần hôn. "Đường xa gởi tặng mảnh hồn... "Chút duyên nguyện với càn khôn lâu bền. "Bạch tư mã bên thuyền ly phụ "Bến Tầm Dương sương phủ ngàn lau... "Mặt hoa càng tỏ nét sầu "Lệ càng chan chứa ố màu áo xanh. "Người kim, cổ nhưng tình vẫn một "Cùng tài hoa khí cốt tinh anh. "Ngẫu nhiên gặp bạn đồng thanh "Lời quê khôn ta chút tình vấn vương. "Sầm Sơn với Tầm dương dù khác, "Nhưng vì hoa mới giạt cõi này "Nghìn vàng há trị hôm nay "Những lời tri kỷ biết ngày nào quê!" Nay mới biết rằng duyên rằng phận Nỗi biệt ly để bận lòng này. Tâm riêng trường hận ai hay? Mắt xanh mòn mỏi ngày dài hơn năm. Sao vội dứt bóng, tăm, chim, cá? Mối tình trường nấn ná bấy lâu. Áng mây che dịp Lam Kiều Trông trời chỉ thấy một màu bao la. Đêm năm trước mười ba tháng bảy Đêm hôm nay tháng bảy mười ba. Trông quanh ta thấy bóng ta Với làn sóng bạc như xa như gần. Năm xưa vui thú Sầm Sơn Năm nay mới biết Sầm Sơn là buồn: Bể trào, gió thét, mây tuôn Mảnh trăng tan tác, màn sương lờ mờ. (1932) Thơ Việt Nam
29961
https://vi.wikisource.org/wiki/Lu%E1%BA%ADt%20Gi%C3%A1o%20d%E1%BB%A5c%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20C%E1%BB%99ng%20h%C3%B2a%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i%20ch%E1%BB%A7%20ngh%C4%A9a%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%202019
Luật Giáo dục nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2019
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật Giáo dục. Chương I: Những quy định chung Điều 1: Phạm vi điều chỉnh Luật này quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục. Điều 2: Mục tiêu giáo dục Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Điều 3: Tính chất, nguyên lý giáo dục Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Điều 4. Phát triển giáo dục Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng. Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời. Điều 5. Giải thích từ ngữ Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: Giáo dục chính quy là giáo dục theo khóa học trong cơ sở giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được thiết lập theo mục tiêu của các cấp học, trình độ đào tạo và được cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục thường xuyên là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được tổ chức linh hoạt về hình thức thực hiện chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học. Kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành. Niên chế là hình thức tổ chức quá trình giáo dục, đào tạo theo năm học. Tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng kiến thức, kỹ năng và kết quả học tập đã tích lũy được trong một khoảng thời gian nhất định. Mô-đun là đơn vị học tập được tích hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ một cách hoàn chỉnh nhằm giúp cho người học có năng lực thực hiện trọn vẹn một hoặc một số công việc của một nghề. Chuẩn đầu ra là yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học sau khi hoàn thành một chương trình giáo dục. Phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật. Giáo dục bắt buộc là giáo dục mà mọi công dân trong độ tuổi quy định bắt buộc phải học tập để đạt được trình độ học vấn tối thiểu theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo đảm điều kiện để thực hiện. Khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông là kiến thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi trong chương trình giáo dục trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để có thể tiếp tục học trình độ giáo dục nghề nghiệp cao hơn. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước gồm nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Cơ sở giáo dục là tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Điều 6. Hệ thống giáo dục quốc dân Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo; b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông; c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác; d) Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định ngưỡng đầu vào trình độ cao đẳng, trình độ đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe. Điều 7. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục Nội dung giáo dục phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại, có hệ thống và được cập nhật thường xuyên; coi trọng giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng của người học. Phương pháp giáo dục phải khoa học, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học và hợp tác, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên. Điều 8. Chương trình giáo dục Chương trình giáo dục thể hiện mục tiêu giáo dục; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học; phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục; phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục; cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp học, mỗi cấp học hoặc các môn học, mô-đun, ngành học đối với từng trình độ đào tạo. Chương trình giáo dục phải bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; kế thừa, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; tạo điều kiện cho phân luồng, chuyển đổi giữa các trình độ đào tạo, ngành đào tạo và hình thức giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để địa phương và cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp; đáp ứng mục tiêu bình đẳng giới, yêu cầu hội nhập quốc tế. Chương trình giáo dục là cơ sở bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện. Chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực người học quy định trong chương trình giáo dục phải được cụ thể hóa thành sách giáo khoa đối với giáo dục phổ thông; giáo trình và tài liệu giảng dạy đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Sách giáo khoa, giáo trình và tài liệu giảng dạy phải đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục. Chương trình giáo dục được tổ chức thực hiện theo năm học đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ hoặc kết hợp giữa tín chỉ và niên chế đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Kết quả học tập môn học hoặc tín chỉ, mô-đun mà người học tích lũy được khi theo học một chương trình giáo dục được công nhận để xem xét về giá trị chuyển đổi cho môn học hoặc tín chỉ, mô-đun tương ứng trong chương trình giáo dục khác khi người học chuyên ngành, nghề đào tạo, chuyển hình thức học tập hoặc học lên cấp học, trình độ đào tạo cao hơn. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc thực hiện chương trình giáo dục và việc công nhận về giá trị chuyển đổi kết quả học tập trong đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều này. Điều 9. Hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Chính phủ quy định chi tiết hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Điều 10. Liên thông trong giáo dục Liên thông trong giáo dục là việc sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành, nghề đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành, nghề đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Việc liên thông trong giáo dục phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng. Chương trình giáo dục được thiết kế theo hướng kế thừa, tích hợp kiến thức và kỹ năng dựa trên chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Người học không phải học lại kiến thức và kỹ năng đã tích lũy ở các chương trình giáo dục trước đó. Chính phủ quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Điều 11. Ngôn ngữ, chữ viết dùng trong cơ sở giáo dục Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình theo quy định của Chính phủ; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu, người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo quy định của Luật Người khuyết tật. Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong cơ sở giáo dục phải bảo đảm để người học được học liên tục, hiệu quả. Điều 12. Văn bằng, chứng chỉ Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của Luật này. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định. Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau. Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng trình độ tương đương của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù. Điều 13. Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập. Điều 14. Phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc. Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc. Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc. Điều 15. Giáo dục hòa nhập Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của người học; bảo đảm quyền học tập bình đẳng, chất lượng giáo dục, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và khả năng của người học; tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của người học và không phân biệt đối xử. Nhà nước có chính sách hỗ trợ thực hiện giáo dục hòa nhập cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật và quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều 16. Xã hội hóa sự nghiệp giáo dục Phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục và hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao. Tổ chức, gia đình và cá nhân có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, phối hợp với cơ sở giáo dục thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong sự nghiệp giáo dục được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Điều 17. Đầu tư cho giáo dục Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; ưu tiên đầu tư cho phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp. Nhà nước khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục. Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Điều 18. Vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục Cán bộ quản lý giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục. Cán bộ quản lý giáo dục có trách nhiệm học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và thực hiện các chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật. Nhà nước có kế hoạch xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Điều 19. Hoạt động khoa học và công nghệ Hoạt động khoa học và công nghệ là một nhiệm vụ của cơ sở giáo dục. Cơ sở giáo dục tự triển khai hoặc phối hợp với tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục hoạt động khoa học và công nghệ, kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng cơ sở giáo dục thành trung tâm văn hóa, khoa học và công nghệ của địa phương hoặc của cả nước. Nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục. Các chủ trương, chính sách về giáo dục phải được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng quốc tế. Điều 20. Không truyền bá tôn giáo trong cơ sở giáo dục Không truyền bá tôn giáo, tiến hành các lễ nghi tôn giáo trong cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang nhân dân. Điều 21. Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tín, hủ tục, lôi kéo người học vào các tệ nạn xã hội. Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi. Điều 22. Các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học. Xuyên tạc nội dung giáo dục. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh. Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật. Chương II: Hệ thống giáo dục quốc dân Mục 1: Các cấp học và trình độ đào tạo Tiểu mục 1: Giáo dục mầm non Điều 23: Vị trí, vai trò, mục tiêu của giáo dục mầm non Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi. Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một. Điều 24: Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục mầm non Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em; hài hòa giữa bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục trẻ em; phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội, trí tuệ, thẩm mỹ; tôn trọng sự khác biệt; phù hợp với các độ tuổi và liên thông với giáo dục tiểu học. Phương pháp giáo dục mầm non được quy định như sau: a) Giáo dục nhà trẻ phải tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được tích cực hoạt động, vui chơi, tạo sự gắn bó giữa người lớn với trẻ em; kích thích sự phát triển các giác quan, cảm xúc và các chức năng tâm sinh lý; b) Giáo dục mẫu giáo phải tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ em. Điều 25. Chương trình giáo dục mầm non Chương trình giáo dục mầm non phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: a) Thể hiện mục tiêu giáo dục mầm non; b) Quy định yêu cầu cần đạt ở mỗi độ tuổi, các hoạt động giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, môi trường giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ em; c) Thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục mầm non. Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập để thẩm định chương trình giáo dục mầm non. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở giáo dục mầm non. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục mầm non sau khi được thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục mầm non; quy định tiêu chuẩn và việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non. Điều 26. Cơ sở giáo dục mầm non Cơ sở giáo dục mầm non bao gồm: Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 03 tuổi; Trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập nhận trẻ em từ 03 tuổi đến 06 tuổi; Trường mầm non, lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi. Điều 27. Chính sách phát triển giáo dục mầm non Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non; ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Tiểu mục 2: Giáo dục phổ thông Điều 28. Cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông Các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông được quy định như sau: a) Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm; b) Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm; c) Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm. Trường hợp học sinh được học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm: a) Học sinh học vượt lớp trong trường hợp phát triển sớm về trí tuệ; b) Học sinh học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông. Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào học lớp một; việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Điều 29. Mục tiêu của giáo dục phổ thông Giáo dục phổ thông nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục tiểu học nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở. Giáo dục trung học cơ sở nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp. Giáo dục trung học phổ thông nhằm trang bị kiến thức công dân; bảo đảm cho học sinh củng cố, phát triển kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp; có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều 30. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục phổ thông Nội dung giáo dục phổ thông phải bảo đảm tính phổ thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống; gắn với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục ở mỗi cấp học. Yêu cầu về nội dung giáo dục phổ thông ở các cấp học được quy định như sau: a) Giáo dục tiểu học phải bảo đảm cho học sinh nền tảng phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội; có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; có nhận thức đạo đức xã hội; có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán; có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh; có hiểu biết ban đầu về hát, múa, âm nhạc, mỹ thuật; b) Giáo dục trung học cơ sở củng cố, phát triển nội dung đã học ở tiểu học, bảo đảm cho học sinh có hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc; kiến thức khác về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ; có hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp; c) Giáo dục trung học phổ thông củng cố, phát triển nội dung đã học ở trung học cơ sở, hoàn thành nội dung giáo dục phổ thông; bảo đảm chuẩn kiến thức phổ thông cơ bản, toàn diện và hướng nghiệp cho học sinh, có nội dung nâng cao ở một số môn học để phát triển năng lực, đáp ứng nguyện vọng của học sinh. Phương pháp giáo dục phổ thông phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh phù hợp với đặc trưng từng môn học, lớp học và đặc điểm đối tượng học sinh; bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, khả năng tư duy độc lập; phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quá trình giáo dục. Điều 31. Chương trình giáo dục phổ thông Chương trình giáo dục phổ thông phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: a) Thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; b) Quy định yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trong cả nước; c) Quy định phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học của giáo dục phổ thông; d) Thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục phổ thông; đ) Được lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân và thực nghiệm trước khi ban hành; được công bố công khai sau khi ban hành. Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập để thẩm định chương trình giáo dục phổ thông. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông; ban hành chương trình giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông thẩm định; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; quy định về mục tiêu, đối tượng, quy mô, thời gian thực nghiệm một số nội dung, phương pháp giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông. Điều 32. Sách giáo khoa giáo dục phổ thông Sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quy định như sau: a) Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử; b) Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật; c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; d) Tài liệu giáo dục địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và hội đồng thẩm định cấp tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục địa phương. Điều 33. Cơ sở giáo dục phổ thông Cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm: Trường tiểu học; Trường trung học cơ sở; Trường trung học phổ thông; Trường phổ thông có nhiều cấp học. Điều 34. Xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, trung học phổ thông và cấp văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông Học sinh học hết chương trình tiểu học đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được hiệu trưởng nhà trường xác nhận học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học. Học sinh học hết chương trình trung học cơ sở đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật. Học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông. Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được sử dụng để theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật. Tiểu mục 3. Giáo dục nghề nghiệp Điều 35. Các trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Điều 36. Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp Giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học trình độ cao hơn. Điều 37. Tổ chức và hoạt động giáo dục nghề nghiệp Tổ chức và hoạt động giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật này và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tiểu mục 4. Giáo dục đại học Điều 38. Các trình độ đào tạo giáo dục đại học Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ. Điều 39. Mục tiêu của giáo dục đại học Đào tạo nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học và công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế. Đào tạo người học phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; có tri thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng nắm bắt tiến bộ khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo, khả năng tự học, sáng tạo, thích nghi với môi trường làm việc; có tinh thần lập nghiệp, có ý thức phục vụ Nhân dân. Điều 40. Tổ chức và hoạt động giáo dục đại học Tổ chức và hoạt động giáo dục đại học được thực hiện theo quy định của Luật này và Luật Giáo dục đại học. Mục 2. Giáo dục thường xuyên Điều 41. Mục tiêu của giáo dục thường xuyên Giáo dục thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học tập suốt đời nhằm phát huy năng lực cá nhân, hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội; góp phần xây dựng xã hội học tập. Điều 42. Nhiệm vụ của giáo dục thường xuyên Thực hiện xóa mù chữ cho người trong độ tuổi theo quy định của pháp luật. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc; cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho mọi người; tạo cơ hội cho người có nhu cầu học tập nâng cao trình độ học vấn. Điều 43. Chương trình, hình thức, nội dung, phương pháp giáo dục thường xuyên Chương trình giáo dục thường xuyên bao gồm: a) Chương trình xóa mù chữ; b) Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; c) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp; d) Chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân. Hình thức thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên bao gồm: a) Vừa làm vừa học; b) Học từ xa; c) Tự học, tự học có hướng dẫn; d) Hình thức học khác theo nhu cầu của người học. Nội dung chương trình giáo dục thường xuyên quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này phải bảo đảm tính thiết thực, giúp người học nâng cao khả năng lao động, sản xuất, công tác và chất lượng cuộc sống. Nội dung chương trình giáo dục thường xuyên quy định tại điểm d khoản 1 Điều này nhằm đạt một trình độ trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia Việt Nam, phải bảo đảm yêu cầu về nội dung của chương trình giáo dục cùng cấp học, trình độ đào tạo quy định tại Điều 31 của Luật này, quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học. Phương pháp giáo dục thường xuyên phải phát huy tính chủ động của người học, coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học; sử dụng phương tiện và công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định chi tiết về chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu giáo dục thường xuyên. Điều 44. Cơ sở giáo dục thường xuyên Giáo dục thường xuyên được thực hiện tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư, qua phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện khác. Cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: a) Trung tâm giáo dục thường xuyên; b) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; c) Trung tâm học tập cộng đồng; d) Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên. Việc thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên của cơ sở giáo dục thường xuyên được quy định như sau: a) Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này, trừ chương trình giáo dục để lấy bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân; b) Trung tâm học tập cộng đồng thực hiện chương trình quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; c) Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này. Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên phải bảo đảm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của mình, chỉ thực hiện chương trình quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 của Luật này khi được cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có thẩm quyền cho phép. Việc liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Điều 45. Đánh giá, công nhận kết quả học tập Học viên tham gia chương trình xóa mù chữ, đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được công nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ. Học viên học hết chương trình giáo dục trung học cơ sở quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 của Luật này đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Học viên học hết chương trình trung học phổ thông quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 của Luật này đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; trường hợp không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Học viên hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định của Khung trình độ quốc gia Việt Nam thì được cấp bằng tương ứng với trình độ đào tạo. Học viên học các khóa bồi dưỡng theo các hình thức khác nhau được dự thi, nếu đạt yêu cầu theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này thì được cấp chứng chỉ tương ứng với chương trình học. Điều 46. Chính sách phát triển giáo dục thường xuyên Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển giáo dục thường xuyên, thực hiện giáo dục cho mọi người, thúc đẩy việc học tập của người lớn, xây dựng xã hội học tập; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia, cung ứng dịch vụ giáo dục thường xuyên có chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được thường xuyên học tập, học tập suốt đời để phát triển bản thân và nâng cao chất lượng cuộc sống. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giáo dục thường xuyên trong việc cung cấp nguồn học liệu cho cơ sở giáo dục thường xuyên để đáp ứng nhu cầu học tập của người học; cơ sở giáo dục đào tạo nhà giáo có trách nhiệm nghiên cứu về khoa học giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo của các cơ sở giáo dục thường xuyên. Chương III: Nhà trường, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác Mục 1. Tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ va quyền hạn của nhà trường Điều 47. Loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây: a) Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu; b) Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động. Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non; c) Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động. Trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường. Việc chuyển đổi loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: a) Chỉ chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; b) Thực hiện quy định của điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của loại hình nhà trường ở mỗi cấp học, trình độ đào tạo; c) Bảo đảm quyền của giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động và người học; d) Không làm thất thoát đất đai, vốn và tài sản. Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển đổi loại hình nhà trường quy định tại khoản 2 Điều này. Điều 48. Trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân Trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trường của lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân quốc phòng; bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nhà nước về nhiệm vụ và kiến thức quốc phòng, an ninh. Trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học và điều lệ nhà trường ở mỗi cấp học, trình độ đào tạo khi đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục thì được cấp văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Điều 49. Điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện được phép hoạt động giáo dục Nhà trường được thành lập khi có đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo quy định của Luật Quy hoạch. Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường. Nhà trường được phép hoạt động giáo dục khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: a) Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động giáo dục; địa điểm xây dựng trường bảo đảm môi trường giáo dục, an toàn cho người học, người dạy và người lao động; b) Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học, trình độ đào tạo; có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục; c) Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục; d) Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Trong thời hạn quy định, nếu nhà trường có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục; khi hết thời hạn quy định, nếu không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này thì bị thu hồi quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập. Điều 50. Đình chỉ hoạt động giáo dục Nhà trường bị đình chỉ hoạt động giáo dục trong trường hợp sau đây: a) Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; b) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật này; c) Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền; d) Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn quy định kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục; đ) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ; e) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục đối với nhà trường phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học, người lao động trong nhà trường và phải công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong thời hạn bị đình chỉ, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì người có thẩm quyền quyết định đình chỉ ra quyết định cho phép nhà trường hoạt động giáo dục trở lại. Điều 51. Sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường Nhà trường sáp nhập, chia, tách phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: a) Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo quy định của Luật Quy hoạch; b) Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; c) Bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo và người học; d) Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Nhà trường bị giải thể trong trường hợp sau đây: a) Vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý, tổ chức và hoạt động của nhà trường; b) Hết thời hạn đình chỉ hoạt động giáo dục mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ; c) Mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; d) Không bảo đảm chất lượng giáo dục; đ) Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập trường. Quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường phải xác định rõ lý do, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học, người lao động trong nhà trường và phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Điều 52. Thẩm quyền, thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập; cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường Thẩm quyền thành lập trường công lập và cho phép thành lập trường dân lập, trường tư thục được quy định như sau: a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đối với trường mầm non, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này; b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung cấp trên địa bàn tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản này; c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định đối với trường trung cấp trực thuộc; d) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đối với trường dự bị đại học, cao đẳng sư phạm và trường trực thuộc Bộ; trường mầm non, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên Chính phủ đề nghị; đ) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định đối với trường cao đẳng, trừ trường cao đẳng sư phạm; e) Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với cơ sở giáo dục đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học. Thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường ở các cấp học, trình độ đào tạo khác thực hiện theo quy định của Chính phủ. Người có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường có thẩm quyền thu hồi quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường. Người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục có thẩm quyền quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục. Trường hợp sáp nhập giữa các nhà trường không do cùng một cấp có thẩm quyền thành lập thì cấp có thẩm quyền cao hơn quyết định; trường hợp cấp có thẩm quyền thành lập ngang nhau thì cấp có thẩm quyền ngang nhau đó thỏa thuận quyết định. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập; cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường quy định tại các điều 49, 50, 51 và 52 của Luật này. Điều 53. Điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục Điều lệ nhà trường được áp dụng chung cho các loại hình nhà trường ở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và có các nội dung chủ yếu sau đây: a) Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường; b) Tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường; c) Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo; d) Nhiệm vụ và quyền của người học; đ) Tổ chức và quản lý nhà trường; e) Tài chính và tài sản của nhà trường; g) Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục cụ thể hóa các nội dung của điều lệ nhà trường để áp dụng cho từng loại hình cơ sở giáo dục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành điều lệ nhà trường, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục. Điều 54. Nhà đầu tư Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục bao gồm: a) Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam; b) Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài. Quyền và trách nhiệm của nhà đầu tư được quy định như sau: a) Thông qua kế hoạch phát triển nhà trường theo quy định của pháp luật do hội đồng trường đề xuất; b) Quyết định tổng vốn góp của nhà đầu tư, dự án đầu tư phát triển trường, việc huy động vốn đầu tư (nếu có); phương án sử dụng phần chênh lệch thu, chi hằng năm hoặc phương án xử lý lỗ của nhà trường; thông qua báo cáo tài chính hằng năm; c) Bầu hoặc cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên của hội đồng trường; d) Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động của hội đồng trường; đ) Quyết định ban hành, sửa đổi, bổ sung quy chế tài chính; thông qua nội dung liên quan đến tài chính, tài sản trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; e) Góp vốn đầy đủ, đúng hạn, giám sát việc góp vốn vào nhà trường theo đề án thành lập; g) Xem xét, xử lý vi phạm gây thiệt hại của hội đồng trường theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; h) Quyết định tổ chức lại, giải thể nhà trường theo quy định của pháp luật; i) Công khai danh sách tổ chức và cá nhân góp vốn đầu tư trên trang thông tin điện tử của nhà trường; k) Nhà đầu tư thành lập trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được vinh danh về công lao góp vốn đầu tư thành lập, xây dựng và phát triển trường. Nhà đầu tư thành lập cơ sở giáo dục tư thục được lựa chọn một trong các phương thức sau đây: a) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp để tổ chức kinh tế thành lập cơ sở giáo dục tư thục theo quy định của Luật này; b) Trực tiếp đầu tư thành lập cơ sở giáo dục tư thục theo quy định của Luật này. Điều 55. Hội đồng trường Hội đồng trường của trường công lập là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường, các bên có lợi ích liên quan và được quy định như sau: a) Hội đồng trường đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục. Thành phần hội đồng trường đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông gồm bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện tổ chuyên môn, đại diện tổ văn phòng, đại diện chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông; b) Hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; c) Hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Hội đồng trường của nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non dân lập là tổ chức thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường do cộng đồng dân cư thành lập trường đề cử; chịu trách nhiệm quyết định phương hướng hoạt động, quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục, phù hợp với quy định của pháp luật. Thành phần hội đồng trường gồm đại diện cộng đồng dân cư, đại diện chính quyền địa phương cấp xã và người góp vốn xây dựng, duy trì hoạt động của nhà trường. Hội đồng trường của trường tư thục là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định của nhà đầu tư. Thành phần của hội đồng trường của trường tư thục do nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp. Thành phần của hội đồng trường của trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do nhà đầu tư trong nước đầu tư gồm đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; thành viên trong và ngoài trường. Thành viên trong trường gồm các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, chủ tịch Công đoàn, đại diện ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường (nếu có), hiệu trưởng; thành viên bầu là đại diện giáo viên và người lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu. Thành viên ngoài trường gồm đại diện lãnh đạo nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu. Thủ tục thành lập, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông được quy định trong điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Việc chuyển thẩm quyền của hội đồng quản trị sang hội đồng trường đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều 56. Hiệu trưởng Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường, do cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận. Hiệu trưởng trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý trường học và đạt chuẩn hiệu trưởng. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng; thủ tục, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng; thủ tục, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học và quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều 57. Hội đồng tư vấn trong nhà trường Hội đồng tư vấn trong nhà trường do hiệu trưởng thành lập để tư vấn giúp hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tổ chức và hoạt động của hội đồng tư vấn được quy định trong điều lệ nhà trường. Điều 58. Tổ chức Đảng trong nhà trường Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhà trường lãnh đạo nhà trường và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều 59. Đoàn thể, tổ chức xã hội trong nhà trường Đoàn thể, tổ chức xã hội trong nhà trường có trách nhiệm góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục và hoạt động theo quy định của pháp luật. Điều 60. Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường Nhà trường có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: a) Công bố công khai mục tiêu, chương trình, kế hoạch giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục; hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường; b) Tổ chức tuyển sinh, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền; c) Chủ động đề xuất nhu cầu, tham gia tuyển dụng nhà giáo, người lao động trong trường công lập; quản lý, sử dụng nhà giáo, người lao động; quản lý người học; d) Huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa; đ) Phối hợp với gia đình, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục; tổ chức cho nhà giáo, người lao động và người học tham gia hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng. Việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của trường công lập được quy định như sau: a) Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường; có trách nhiệm giải trình với xã hội, người học, cơ quan quản lý; bảo đảm việc tham gia của người học, gia đình và xã hội trong quản lý nhà trường. Việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập thực hiện theo quy định của Chính phủ; b) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường dân lập, trường tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục. Mục 2. Trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác Điều 61. Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học Nhà nước thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học cho người học là người dân tộc thiểu số, người học thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học được ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện học sinh được học trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học. Điều 62. Trường chuyên, trường năng khiếu Trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao được thành lập nhằm phát triển tài năng của học sinh trong các lĩnh vực này. Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường chuyên, trường năng khiếu do Nhà nước thành lập; có chính sách ưu đãi đối với trường năng khiếu do tổ chức, cá nhân thành lập. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định chương trình giáo dục nâng cao, quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên, trường năng khiếu. Điều 63. Trường, lớp dành cho người khuyết tật Nhà nước thành lập và khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập trường, lớp dành cho người khuyết tật nhằm giúp người khuyết tật được phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề và hòa nhập cộng đồng. Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường, lớp dành cho người khuyết tật do Nhà nước thành lập; có chính sách ưu đãi đối với trường, lớp dành cho người khuyết tật do tổ chức, cá nhân thành lập. Điều 64. Trường giáo dưỡng Trường giáo dưỡng có nhiệm vụ giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật để đối tượng này rèn luyện, phát triển lành mạnh, trở thành người lương thiện, có khả năng tái hòa nhập vào đời sống xã hội. Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chương trình giáo dục cho trường giáo dưỡng. Điều 65. Cơ sở giáo dục khác Cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: a) Nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập, lớp xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học ở trường, lớp dành cho trẻ khuyết tật; b) Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên; c) Viện Hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Người đứng đầu cơ sở giáo dục khác quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, quản lý, điều hành cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đình chỉ hoạt động của cơ sở giáo dục quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, trừ trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này. Chương IV: Nhà giáo Mục 1. Vị trí, vai trò, tiêu chuẩn của nhà giáo Điều 66. Vị trí, vai trò của nhà giáo Nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục, trừ cơ sở giáo dục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 của Luật này. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên. Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh. Điều 67. Tiêu chuẩn của nhà giáo Nhà giáo phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây: Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm; Có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; Bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp. Điều 68. Giáo sư, phó giáo sư Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Mục 2. Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo Điều 69. Nhiệm vụ của nhà giáo Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học. Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học. Điều 70. Quyền của nhà giáo Được giảng dạy theo chuyên môn đào tạo. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục khác hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học. Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể. Được nghỉ hè theo quy định của Chính phủ và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật. Điều 71. Thỉnh giảng Thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 của Luật này đến giảng dạy. Người được cơ sở giáo dục mời giảng dạy được gọi là giáo viên thỉnh giảng hoặc giảng viên thỉnh giảng. Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 69 của Luật này. Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nơi mình công tác. Khuyến khích việc mời nhà giáo, nhà khoa học trong nước, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đến giảng dạy tại cơ sở giáo dục theo chế độ thỉnh giảng. Mục 3. Đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo Điều 72. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau: a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ; d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này. Điều 73. Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo; nhà giáo được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định của pháp luật. Điều 74. Cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục Cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo gồm trường sư phạm, cơ sở giáo dục có khoa sư phạm, cơ sở giáo dục được phép đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục gồm trường sư phạm, cơ sở giáo dục đại học có khoa quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục được phép đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Trường sư phạm do Nhà nước thành lập để đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được ưu tiên trong việc tuyển dụng nhà giáo, bố trí cán bộ quản lý giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ký túc xá và bảo đảm kinh phí đào tạo. Trường sư phạm có trường thực hành hoặc cơ sở thực hành. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục được phép đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Mục 4. Chính sách đối với nhà giáo Điều 75. Ngày Nhà giáo Việt Nam Ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam. Điều 76. Tiền lương Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Điều 77. Chính sách đối với nhà giáo Nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình. Nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi. Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Điều 78. Phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Điều 79. Phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, Giáo sư danh dự Nhà hoạt động chính trị, xã hội có uy tín quốc tế, nhà giáo, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam được cơ sở giáo dục đại học phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự. Nhà hoạt động chính trị, xã hội có uy tín quốc tế, nhà giáo, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam, có bằng tiến sĩ, được cơ sở giáo dục đại học phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Chương V: Người học Mục 1. Nhiệm vụ và quyền của người học Điều 80. Người học Người học là người đang học tập tại cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non; Học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, lớp đào tạo nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường dự bị đại học; Sinh viên của trường cao đẳng, trường đại học; Học viên của cơ sở đào tạo thạc sĩ; Nghiên cứu sinh của cơ sở đào tạo tiến sĩ; Học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên. Điều 81. Quyền của trẻ em và chính sách đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non Trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non có các quyền sau đây: a) Được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; được chăm sóc sức khỏe và bảo vệ theo quy định của Luật Trẻ em và quy định khác của pháp luật có liên quan; b) Được miễn, giảm giá vé đối với các dịch vụ vui chơi, giải trí công cộng. Chính phủ quy định chính sách đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non. Điều 82. Nhiệm vụ của người học Học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục, quy tắc ứng xử của cơ sở giáo dục. Tôn trọng nhà giáo, cán bộ và người lao động của cơ sở giáo dục; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục; chấp hành quy định của pháp luật. Tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và năng lực. Giữ gìn, bảo vệ tài sản của cơ sở giáo dục. Góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của cơ sở giáo dục. Điều 83. Quyền của người học Được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Được tôn trọng; bình đẳng về cơ hội giáo dục và học tập; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh; được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình. Được học vượt lớp, học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban, được tạo điều kiện để học các chương trình giáo dục theo quy định của pháp luật. Được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Được cấp văn bằng, chứng chỉ, xác nhận sau khi tốt nghiệp cấp học, trình độ đào tạo và hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định. Được tham gia hoạt động của đoàn thể, tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật. Được sử dụng cơ sở vật chất, thư viện, trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hóa, thể dục, thể thao của cơ sở giáo dục. Được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với cơ sở giáo dục các giải pháp góp phần xây dựng cơ sở giáo dục, bảo vệ quyền, lợi ích của người học. Được hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước trong tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước nếu tốt nghiệp loại giỏi và có đạo đức tốt. Được cử người đại diện tham gia hội đồng trường theo quy định. Mục 2. Chính sách đối với người học Điều 84. Tín dụng giáo dục Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất, điều kiện và thời hạn vay tiền để người học có điều kiện học tập. Khuyến khích xã hội hóa hoạt động tín dụng giáo dục. Điều 85. Học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 62 của Luật này và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật. Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học theo quy định của pháp luật. Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.b Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Điều 86. Miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên Học sinh, sinh viên được hưởng chế độ miễn, giảm giá vé khi sử dụng các dịch vụ công cộng về giao thông, giải trí, tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa theo quy định của Chính phủ. Điều 87. Chế độ cử tuyển Nhà nước thực hiện tuyển sinh vào trung cấp, cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển đối với học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; có chính sách tạo nguồn cử tuyển, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu của địa phương đề xuất, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển; cử người đi học theo tiêu chuẩn, chỉ tiêu được duyệt; xét tuyển và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm hỗ trợ cho người học theo chế độ cử tuyển để bảo đảm chất lượng đầu ra. Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm trở về làm việc tại địa phương nơi cử đi học; được xét tuyển và bố trí việc làm. Chính phủ quy định chi tiết tiêu chuẩn và đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển; việc tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển và việc tuyển dụng người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Điều 88. Khen thưởng đối với người học Người học có thành tích trong học tập, rèn luyện được cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục khen thưởng; trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Chương VI: Trách nhiệm của nhà trường, gia đình, và xã hội trong giáo dục Điều 89. Trách nhiệm của nhà trường Nhà trường có trách nhiệm thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, quy tắc ứng xử; chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường, bảo đảm an toàn cho người dạy và người học; thông báo về kết quả học tập, rèn luyện của học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ. Cơ sở giáo dục khác được áp dụng các quy định có liên quan đến nhà trường trong Chương này. Điều 90. Trách nhiệm của gia đình Cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con hoặc người được giám hộ được học tập, thực hiện phổ cập giáo dục, hoàn thành giáo dục bắt buộc, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường; tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo. Các thành viên trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ của con em; người lớn tuổi có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con em, cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Điều 91. Trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh Tiếp nhận thông tin về kết quả học tập, rèn luyện của con hoặc người được giám hộ. Tham gia hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường; tham gia hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường. Phối hợp với nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc giáo dục con hoặc người được giám hộ theo quy định. Điều 92. Ban đại diện cha mẹ học sinh, trẻ mầm non Ban đại diện cha mẹ học sinh, trẻ mầm non được tổ chức trong mỗi năm học ở giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh, trẻ mầm non từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh, trẻ mầm non và hoạt động theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không tổ chức ban đại diện cha mẹ học sinh, trẻ mầm non liên trường và ở các cấp hành chính. Điều 93. Trách nhiệm của xã hội Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau đây: a) Hỗ trợ, hợp tác với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho nhà giáo và người học tham quan, hoạt động trải nghiệm, thực tập, nghiên cứu khoa học; b) Tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, ngăn chặn hoạt động có ảnh hưởng xấu đến người học; c) Tạo điều kiện để công dân trong độ tuổi quy định thực hiện nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục, hoàn thành giáo dục bắt buộc để người học được vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh; d) Hỗ trợ các nguồn lực cho phát triển sự nghiệp giáo dục theo khả năng của mình. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm động viên toàn dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp với nhà trường giáo dục, vận động thanh niên, thiếu niên và nhi đồng gương mẫu trong học tập, rèn luyện và tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục. Điều 94. Quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ giáo dục Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ giáo dục. Việc thành lập và hoạt động của quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ giáo dục thực hiện theo quy định của pháp luật. Chương VII: Đầu tư và tài chính cho giáo dục Điều 95. Nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục Nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục bao gồm: Ngân sách nhà nước; Nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Nguồn thu từ dịch vụ giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục; nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; lãi tiền gửi ngân hàng và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; Kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước; Nguồn vốn vay; Nguồn tài trợ, viện trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Điều 96. Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục được phân bổ theo nguyên tắc công khai, dân chủ; căn cứ vào quy mô giáo dục, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng; bảo đảm ngân sách để thực hiện phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời để thực hiện phổ cập giáo dục và phù hợp với tiến độ của năm học. Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục có trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả phần ngân sách giáo dục được giao và nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Điều 97. Ưu tiên đầu tư tài chính và đất đai xây dựng trường học Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đưa việc xây dựng trường học, công trình thể dục, thể thao, văn hóa, nghệ thuật phục vụ giáo dục vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương; ưu tiên đầu tư tài chính và đất đai cho việc xây dựng trường học và ký túc xá cho học sinh, sinh viên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Điều 98. Khuyến khích đầu tư cho giáo dục Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức, tài sản cho giáo dục. Các khoản đóng góp, tài trợ cho giáo dục của tổ chức, cá nhân được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình phục vụ cho giáo dục; đóng góp, tài trợ, ủng hộ tiền hoặc hiện vật để phát triển sự nghiệp giáo dục được xem xét để ghi nhận bằng hình thức thích hợp. Điều 99. Học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định; đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học. Chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục. Mức thu dịch vụ tuyển sinh mà người dự tuyển phải nộp khi tham gia xét tuyển, thi tuyển được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ. Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí. Trẻ em mầm non 05 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định. Cơ chế thu và quản lý học phí, các khoản thu dịch vụ trong hoạt động giáo dục được quy định như sau: a) Chính phủ quy định cơ chế thu và quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập; b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cơ chế thu và sử dụng mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học do địa phương quản lý sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; d) Cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Thực hiện công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, năm học theo quy định của pháp luật. Điều 100. Ưu đãi về thuế đối với sách giáo khoa và tài liệu, thiết bị dạy học Việc xuất bản sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu dạy học; sản xuất và cung ứng thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non; nhập khẩu sách, báo, tài liệu giảng dạy, học tập, thiết bị dạy học, thiết bị nghiên cứu dùng trong cơ sở giáo dục được Nhà nước ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Điều 101. Chế độ tài chính đối với cơ sở giáo dục Cơ sở giáo dục công lập thực hiện quản lý các khoản thu, chi tài chính, quản lý sử dụng tài sản theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật. Cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế, định giá tài sản và công khai tài chính theo quy định của pháp luật. Khoản thu của cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục được dùng để chi cho các hoạt động của cơ sở giáo dục, thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, thiết lập quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác của cơ sở giáo dục, phần còn lại được phân chia cho nhà đầu tư theo tỷ lệ vốn góp, trừ cơ sở giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận. Cơ sở giáo dục phải công bố công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Điều 102. Quyền sở hữu tài sản, chuyển nhượng vốn đối với trường dân lập, trường tư thục Tài sản của trường dân lập thuộc sở hữu của pháp nhân nhà trường. Tài sản của trường dân lập được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật. Tài sản của trường tư thục thuộc sở hữu của nhà đầu tư, hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư, được xác định bằng biên bản góp vốn của nhà đầu tư. Việc chuyển phần tài sản góp vốn cho trường thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc chuyển nhượng vốn đối với trường dân lập, trường tư thục phải bảo đảm sự ổn định và phát triển của trường, được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Điều 103. Chính sách ưu đãi đối với trường dân lập, trường tư thục Trường dân lập, trường tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng; được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách đối với người học quy định tại Điều 85 của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Chương VIII: Quản lý nhà nước về giáo dục Mục 1. Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục Điều 104. Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; ban hành điều lệ nhà trường, chuẩn cơ sở giáo dục, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục, điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh; quy định hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường; quy định về đánh giá kết quả học tập và rèn luyện; khen thưởng và kỷ luật đối với người học. Quy định tiêu chuẩn chức danh, chế độ làm việc của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục; tiêu chuẩn người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ sở giáo dục; tiêu chuẩn chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; ban hành quy tắc ứng xử của nhà giáo, của cơ sở giáo dục; quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và hình thức tuyển dụng giáo viên. Quy định mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; khung trình độ quốc gia; tiêu chuẩn nhà giáo; tiêu chuẩn, định mức sử dụng cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị trường học; việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa, giáo trình; việc thi, kiểm tra, tuyển sinh, liên kết đào tạo và quản lý văn bằng, chứng chỉ; việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được sử dụng tại Việt Nam. Quy định về đánh giá chất lượng giáo dục; tổ chức, quản lý việc bảo đảm chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục. Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức và hoạt động giáo dục. Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục. Tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục. Tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực giáo dục. Tổ chức, quản lý công tác hợp tác quốc tế, đầu tư của nước ngoài về giáo dục. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật trong giáo dục. Điều 105. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục: Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học; hằng năm, báo cáo Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công mà việc áp dụng đại trà sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các nhiệm vụ sau đây: a) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục trên địa bàn; b) Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học của trường công lập thuộc phạm vi quản lý; c) Phát triển các loại hình nhà trường, thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương; d) Thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước và chính sách của địa phương để bảo đảm quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình về thực hiện nhiệm vụ và chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; đ) Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục tại địa phương. Mục 2. Hợp tác quốc tế về giáo dục Điều 106. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về giáo dục Nhà nước mở rộng, phát triển hợp tác quốc tế về giáo dục theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, bình đẳng và các bên cùng có lợi. Điều 107. Hợp tác về giáo dục với nước ngoài Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục của Việt Nam hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật theo hình thức tự túc hoặc bằng kinh phí do tổ chức, cá nhân trong nước cấp hoặc do tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ. Nhà nước dành ngân sách cử người đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức và trình độ đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài về những ngành, nghề và lĩnh vực then chốt để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật; việc hợp tác về giáo dục với tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Điều 108. Hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để giảng dạy, học tập, đầu tư, tài trợ, hợp tác, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về giáo dục tại Việt Nam; được bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Hợp tác về giáo dục với Việt Nam phải bảo đảm giáo dục người học về nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân; tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện mục tiêu giáo dục, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với mỗi cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân; hoạt động giáo dục phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Các hình thức hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục tại Việt Nam bao gồm: a) Liên kết giáo dục, đào tạo; b) Thành lập văn phòng đại diện; c) Thành lập phân hiệu; d) Thành lập cơ sở giáo dục; đ) Các hình thức hợp tác, đầu tư khác. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Điều 109. Công nhận văn bằng nước ngoài Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận để sử dụng tại Việt Nam trong trường hợp sau đây: a) Văn bằng do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài cấp cho người học sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng theo quy định của nước cấp bằng và được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận; b) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cấp cho người học, được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của 02 nước cho phép mở phân hiệu hoặc thực hiện hợp tác, liên kết đào tạo và đáp ứng quy định tại điểm a khoản này; c) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cấp, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định về hợp tác, đầu tư về giáo dục do Chính phủ ban hành, theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng quy định tại điểm a khoản này. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ký thỏa thuận quốc tế về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng; quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng; cung cấp thông tin về cơ sở giáo dục đại học bảo đảm chất lượng được nước sở tại công nhận. Việc công nhận văn bằng giáo dục nghề nghiệp do nước ngoài cấp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Mục 3. Kiểm định chất lượng giáo dục Điều 110. Mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục Mục tiêu kiểm định chất lượng giáo dục được quy định như sau: a) Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục; b) Xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo trong từng giai đoạn; c) Làm căn cứ để cơ sở giáo dục giải trình với chủ sở hữu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên liên quan và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục; d) Làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo, cho nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực. Việc kiểm định chất lượng giáo dục phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: a) Độc lập, khách quan, đúng pháp luật; b) Trung thực, công khai, minh bạch; c) Bình đẳng, bắt buộc, định kỳ. Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: a) Cơ sở giáo dục đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; b) Cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo các trình độ đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Điều 111. Nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục Ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục; quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục ở từng cấp học, trình độ đào tạo; nguyên tắc hoạt động, điều kiện và tiêu chuẩn của tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; cấp, thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục. Quản lý hoạt động kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và cơ sở giáo dục thực hiện đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy định về kiểm định chất lượng giáo dục. Điều 112. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: a) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do Nhà nước thành lập; b) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài thành lập; c) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài. Việc tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục được quy định như sau: a) Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quy định điều kiện và thủ tục để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam; b) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và quy định trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; quyết định công nhận, thu hồi quyết định công nhận tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; c) Kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học. Chương IX: Điều khoản thi hành Điều 113. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 97/2015/QH13 và Luật số 21/2017/QH14 Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 3 Điều 32 như sau: “a) Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, có bằng tốt nghiệp trung cấp loại giỏi trở lên và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo; b) Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, có bằng tốt nghiệp trung cấp loại khá, đã có ít nhất 02 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;”. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 33 như sau: “3. Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế được thực hiện từ 02 đến 03 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.</p><p>Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ cho từng chương trình đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.”. Điều 114. Hiệu lực thi hành Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12, Luật số 74/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 115 của Luật này. Điều 115. Quy định chuyển tiếp Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm được tuyển sinh trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 89 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12, Luật số 74/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13. Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019. Luật pháp Việt Nam
29973
https://vi.wikisource.org/wiki/Ba%20%C4%90%C3%ACnh%20k%C3%BD
Ba Đình ký
Hồng nhung hoa nở đầy sân, Tưới hoa thánh thót mưa xuân đầu cành. Đốt hương xem chuyện nước mình, Chuyện Đinh Công Tráng, Ba Đình ngày xưa. Thuận kinh đã đổi ngọn cờ, Nước non xoay chuyển bây giờ là ai? Ninh Bình tỉnh có một người, Là Đinh Công Tráng tướng tài bẩm sinh. Hơn đời vũ dũng thông minh, Hoàng, Lưu môn hạ nổi danh Bắc kỳ. Gió mây rộn buổi Hàm Nghi, Ba làng Thanh Hoá thành trì đào xây. Trước thành giữ thế ruộng lầy, Mặt thành xây đắp tre dầy bàn cao. Trong thành khe chứa giếng đào, Sau thành có ngả sang Lào, ra Thanh. Đồn quân tên gọi Ba Đình, Tướng quân Công Tráng họ Đinh là người. Uy nghiêm tướng mạnh thành dài, Thế trong vững thủ, thế ngoài mạnh công. Thuận thành nghe động uy phong, Pháp binh từ Huế đùng đùng kéo ra. Mấy phen đánh giáp lá cà, Địch quân thua xiểng, quân ta được hoài. Uy danh động đến nước ngoài, Pháp đình nổi trận bời bời phong lôi. Lệnh cho nguyên soái đặc sai, Khắc kỳ phá địch quyết bài tiến công. Một phen đột trận xung phong, Lại thêm thây chất đầy đồng một phen. Pháp quân tính thế vạn tuyền, Hãm thành mới có lệnh truyền bổ vây. Nam quân lúc ấy nguy thay, Đánh không được đánh mà rầy thiếu lương. Đinh Công hết ý lo lường, Giải vây mới liệu quyết đường đánh ra. Đêm đông gió táp mù sa, Bất kỳ giữa trống canh ba tiến hành. Kéo quân ra khỏi ngoài thành, Nhằm nơi quân địch tung hoành đạn bay. Pháp quân liệu thế trở xoay, Tức thì lập trận bắn ngay không rời. Hai quân bắn lẫn bắn hoài, Sương mù chẳng thấy mặt người tấc gang. Giời đông còn hãy mù sương, Đinh Công sớm đã liệu đường quân đi. Thành không bỏ lại tiếc gì, Ba Đình thất thủ thôi thì cũng thôi! Tàn quân thu thập đôi nơi, Cô thành lại giữ một giời Ma Cao. Giang sơn chẳng phụ anh hào, Yếu thua khoẻ được lệ nào có sai. Đinh Công khuất mặt ở đời, Non xanh nước biếc sang người trắng da. Nước non vẫn nước non nhà, Nhớ ai một khúc gọi là viếng ai. Lục bát
29976
https://vi.wikisource.org/wiki/%C3%81nh%20s%C3%A1ng%20c%E1%BB%A7a%20v%C3%B4%20minh
Ánh sáng của vô minh
Em thút thít là bắt đầu sắp khóc Hồn rạt rào như sóng vỗ liên miên Tuổi mười sáu là trăng vừa mới mọc Lệ của tình nên rớt xuống vô biên Anh chạy đến cầm tay em thật chặt Bởi mơ hồ nghe trái đất rung rinh Ôi kiêu hãnh khi nhìn em tận mắt Anh thấy rồi ánh sáng của vô minh. Thơ Việt Nam
29977
https://vi.wikisource.org/wiki/B%C3%A0i%20h%C3%A1t%20ngh%E1%BB%89%20h%C3%A8%20b%C3%A0i%201
Bài hát nghỉ hè bài 1
Trời mùa hè, Nóng nóng ghê. Ngồi học mệt mỏi lắm, Rủ nhau ta nghỉ hè, Khoẻ khoè khoe! Khoẻ khoè khoe! Rủ nhau ta dạo cảnh nhà quê: Cảnh nhà quê, Cảnh đẹp như thế kìa. Gió thổi mát, Dưới tầng cây xùm xoè. Ta ngồi nghe, Ta ngồi nghe, Con chim con nó hót, Tiếng rả rít, Tiếng tỉ tê. Khoẻ khoè khoe! Khoẻ khoè khoe! Thơ Việt Nam
29978
https://vi.wikisource.org/wiki/B%C3%A0i%20h%C3%A1t%20ngh%E1%BB%89%20h%C3%A8%20b%C3%A0i%202
Bài hát nghỉ hè bài 2
Cái ve kêu, Con cuốc gọi. Nồng nực thay, Mùa hạ tới, Mùa hạ tới, ngọn gió Nam phong dìu dặt thổi. Dìu dặt gió Nam thổi, Tơi tả cánh sen bay, Mùa đổi thay, Cảnh đổi thay. Cây cung giương mãi cũng chùng dây; Người cố học lâu tâm trí mỏi. Nên có độ nghỉ hè, Như các mùa thay đổi, Mùa thay đổi, kịp đến khi thu sang. Trăng thu dãi sáng, Lá thu bay vàng, Cảnh trời thanh tĩnh, Lòng người nhẹ nhàng. Sẽ cùng theo đuổi nghiệp văn chương, Nghiệp văn chương, Núi sông trường! Thơ Việt Nam
29979
https://vi.wikisource.org/wiki/B%C3%A0i%20h%C3%A1t%20ngh%E1%BB%89%20h%C3%A8%20b%C3%A0i%203
Bài hát nghỉ hè bài 3
(Điệu hành vân) Cuốc gọi vào hè, Cuốc gọi vào hè. Rả rít mấy cành ve. Trời ơi bức, Hoa cỏ ủ ê. Trước sau vườn lý đào phai nhạt, Hiu hiu phất, trận Nam phong ngan ngát mùi sen. Xuân lại hè, mùa trời thay đổi. Phòng văn (mỏi) mỏi nghiệp sách đèn. Vũ trụ xa nhìn, tơi bời mây gió, tranh càn khôn hồn nhiên. Chung quanh đó, những nước non mình: Tĩnh dưỡng tinh thần đã nhiều nơi cảnh xinh. Thú nghỉ hè, bãi lục ngàn xanh. Một vùng danh thắng, Nước non đôi vẻ thanh thanh. Thơ Việt Nam
29980
https://vi.wikisource.org/wiki/B%C3%A0i%20ph%C3%BA%20%C4%90%C3%B4ng%20H%E1%BB%93
Bài phú Đông Hồ
(Phương thành danh thắng) Lấy vần: Đông Hồ một mảnh trăng thu. Vần đông Tình hoài phong nhã; Khí cốt hào hùng. Túi lưng trăng gió; Bạn tát non sông. Lặng ngắm thế đồ man mác; Ngảnh nhìn trần hải mênh mông. Chẳng lao thì cũng hư, nên đã nhiều phen lăn lóc; Chẳng nhàn thì cũng lục, phải cho có lúc thong dong. Cuộc nhàn hẳn đành nhiều thú; Nghề chơi âu cũng lắm công. Của đất đó, thú vô biên, non xanh nước biếc; Của trời đó, kho vô tận, gió mát trăng trong. Cảnh chọn cảnh mà chơi, cảnh trời cảnh sẵn; Thú chọn thú mà hưởng, thú trời thú chung. Năm Nhâm Tuất qua rằm tháng bảy, thủa nọ ông Đông Pha cùng các bạn mang hồ rượu ra chơi trăng bến Xích; Năm Mậu Thìn giữa rằm tháng tám, hôm nay tôi Trác Chi cùng các bạn chở thuyền thơ ra chơi trăng hồ Đông. Chính là lúc: Sực nức huệ lan, khi văn chương đang đậm; Đề huề giao tất, duyên bút nghiễn đang nồng. Vần hồ Kìa chẳng nghe: Có thơ “hành lạc”; Có chuyện “dạ du”. Có “Thiên Thai ký”; Có “Đào Nguyên đồ”. Lại chẳng nghe: Có kẻ học đạo, tiêu dao lên vườn Quỳnh Lĩnh; Có người chơi tiên, lênh đênh qua cửa Thần Phù. Đó là những cuộc chơi siêu dật; Lại còn những cuộc chơi phong lưu. Hoặc là “tuỳ ba đái kỹ”; Hoặc là “hồ thượng phiếm chu”. Hoặc là còn nấn ná trong áng trần ai mà gởi tình cùng hoa thảo; Hoặc là đã mỏi mê trên đường danh lợi mà góp bạn với giang hồ. Chừng cũng nghĩ: “Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc; Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu”. Huống Đông Hồ nọ: Nước trời một vũng; Trăng gió bốn mùa. Hồ ở trong thành văn vật, thành là thành Trúc; Hồ ở dưới núi linh tú, núi là núi Tô. Đâu đó đều trăng gió cũ; Chung quanh vẫn nước non nhà. Ta há chẳng nên chơi lắm vậy; Ta há chẳng nên chơi lắm ru? Vần một Kịp khi ấy: Trăng sáng một trời; Sóng êm muôn đợt. Khách rượu mươi người; Thuyền thơ hai chiếc. Giây buông mái nhẹ, thi tình vô hạn bàng hoàng; Nước rộng mây xa, hứng tứ vô cùng hoan hước. Năm dài trăm tuổi, ngày vui khôn dễ có nhiều; Tháng chẵn mười hai, buổi thích biết đâu chẳng một. Miệng ca tay múa, “nhân sinh đắc ý tu tận hoan”; Chén cất bầu lưng, “mạc sử kim tôn không đối nguyệt”. Liên ngâm dở cuộc, chắp nối vần thơ; Nhàn nhã lựa dây, bổng chìm ngón trúc. Mây bay gió thổi, từng không tiếng hát vang lừng; Dòng chảy thuyền xuôi, ngấn nước cung đàn thánh thót: Thơ chưa bàn hay dở, có thơ cứ ép nhau ngâm; Rượu chẳng luận thánh hiền, có rượu cứ khuyên nhau rót. Vần mảnh Mặt khách say ngà; Chiều trời quang tạnh. Mây liễm bốn phương; Trăng cao một mảnh. Khách có kẻ: Ngửa đầu đối nguyệt mà ra vẻ bồi hồi; Cúi mặt nhìn sông mà ra chiều thanh lãnh. Bỗng: Đỡ chén rượu nghiêng nghiêng; Cất tiếng ca lanh lảnh. Tỏ lời thán tích cho cựu thì; Ra ý cảm hoài vì vãn cảnh. Như thoả như vui; Như sầu như chạnh. Hỏi khách: Vì đâu mà vui; Cớ sao mà chạnh? Khách rằng: Xưa nay phàm lịch sử của danh lam thắng cảnh: Hoặc có cái lịch sử của tay cung kiếm anh hùng; Hoặc có cái lịch sử của khách yên hà ngâm vịnh. Đến như là Đông Hồ cảnh ấy: Vừa là tấm bia chiến vẻ vang; Vừa là chốn đàn tao thanh tĩnh. Người chủ nhân ông cảnh ấy: Vừa là tay hào khí quan hoài; Vừa là khách phong lưu tình tính. Bút gươm dưới nguyệt sâm si; Huyết mặc trên dòng so sánh. Nay mắt ta trông ra: Nếu là phong quang nơi thi xã thì chi xiết thanh u; Bằng là cảnh tượng chốn chiến tràng thì vô cùng hiu quạnh. Nếu là bóng nguyệt của người hàn mặc, thì bóng đẹp mà trong; Bằng là vẻ trăng của khách cung đao, thì vẻ trăng buồn mà lạnh. Khiến khách tôi, không biết: Nên thoả hay nên sầu; Nên vui hay nên chạnh. Vần trăng Này thử nhớ lại; Mà biết đó rằng: Một các “Chiêu anh”; Một thành “Trúc bằng”. Đem huyết hãn mà vun bồi cho non nước; Lấy bút nghiên mà tô điểm cho gió trăng. Người chủ nhân ông cảnh ấy: Lẽ ta không biết đó vậy; Lẽ ta không biết đó chăng? Tức là khách: Khứ Bắc tâm thương mà hàn hiệt vân trung chi hồng hộc; Đầu nam chí đại mà tiêu dao hải thượng chi côn bằng. Tấm thân lang miếu giữa giang hồ, khâm hoài cao khoáng; Tấc dạ cô thần mà dật khách, phong cốt lăng tằng. Chừ: Muốn nhận ra cái dấu vết tiền triều thì vắng vẻ nước non một sắc; Muốn nhìn lại cái hình dung cố quốc thì mịt mù mây khói mấy tầng. Ngọn gió thu phong kia, cổ nhân đã từng dạn mặt; Làn nước thu thuỷ nọ, cổ nhân đã từng dúng chân. Cổ nhân không được biết kim nguyệt; Kim nguyệt dã từng soi cổ nhân. Tranh bích tạc treo chung màn kim cổ; Bóng hoàng hôn chớp nhoáng cuộc trầm thăng. Khiến: Nghĩ những chuyện tang thương mà than nước; Trông những cơ hưng phế mà khóc trăng. Thì khách tôi: Giữ sao được lòng thắc mắc; Cầm sao được mối bâng khuâng. Vần thu Trước vẫn biết khách: Đa tư đa lự; Đa cảm đa ưu. Không cười mà khóc; Không vui mà sầu. Bèn mới đặt chén cầm tay mà sẽ bảo: Thế sự nhược đại mộng; Nhân sinh như phù du. Cổ kim là chung trong vòng tiêu trưởng; Vũ trụ là cùng một kiếp doanh hư. Vầng trăng kia đối với người ngâm vịnh mà khoe màu, trăng từ bao thủa; Làn nước nọ đối với cuộc tồn vong mà chau mắt, nước đã bao lâu. Nhưng: Tạo hoá tuy vô cực vô cùng, vẫn là vô tri giác; Nhân sinh tuy tối vi tối tiểu, vẫn là hữu tâm tư. Một con tâm ấy có thể quán thông suốt nghìn thuở; Một tấm tình ấy có thể bao quát cả năm châu. Biết càn khôn là rộng; Biết vũ trụ là to. Còn trời đất nọ: Muôn năm mãi mãi; Một khối trơ trơ. Gió cứ dìu dặt; Mây cứ phất phơ. Thì đối với vũ trụ cỡ gì: Mà sầu mua thảm chác; Mà thương hão khóc vờ. Huống chi, khách qua chơi Đông Hồ này: Trước ta đã biết bao nhiêu người, ta không thể hỏi; Sau ta còn biết bao nhiêu kẻ, ta không thể chờ. Ngày nay ta khóc cho người đời trước; Sau này ai khóc cho ta bây giờ? Chi bằng những lúc: Thắng cảnh lương tiêu phải buổi; Thưởng tâm lạc sự đang vừa. Nghiêng bầu hướng với giang san mà say rượu; Mài mực đối với phong nguyệt mà chuốc thơ. Một khối văn ấy, nghìn năm hãy còn phiêu dương dưới vùng tinh nhật; Một vết mực ấy, muôn thủa hãy còn bàng bạc trong cõi giang hồ. Đó mới là cái vận sự hào hoa, dữ kỳ lục thuỷ thanh san tràng thọ; Đó mới là cái công trình tao nhã, dữ kỳ thanh phong minh nguyệt tràng lưu. Chẳng hơn ngồi mà thương mà khóc, mà cảm mà sầu suông đó dư! Lời xong: Sau trước gõ mạn thuyền mà cổ võ; Chủ tân cất chén rượu mà hoan hô. Cùng đồng thanh hát rằng: Nước sâu sâu hề non cao cao, Thuyền gió trăng hề chở nặng chèo. Nhược thuỷ, Bồng Lai hề không lọ hỏi; Chẳng tiên lúc này hề tiên lúc nào? Đã tu thì tu hề cho trót; Đã chơi thì chơi hề cho hào. Mặt biên triều lên hề bát ngát; Ngàn cây sương toả hề mịt mù. Màu khói hề thấp thoáng liễu; Hơi mây hề san sát lau. Gà bên sông hề văng vẳng gáy; Cuốc trên bến hề khắc khoải gào. Trông qua bóng núi hề đã ngang mặt; Ngẩng lên vầng trăng hề đã xế dần. Hứng chưa tàn hề đêm đã hết; Thuyền quày lại hề gửi mấy câu: Chỉ nước chỉ non hề căn dặn; Gọi trăng gọi gió hề hẹn hò. Non Tô một dải hề cao dựng; Hồ Đông một vũng hề nông sờ, Này nước, này non, ghi lấy cuộc hôm nay hề cuộc hành lạc; Hỡi trăng, hỡi gió, nhớ lấy đêm hôm nay hề đêm thưởng thu! Phú
29981
https://vi.wikisource.org/wiki/B%C4%83ng%20tuy%E1%BA%BFt
Băng tuyết
Đầy lứa cỏ của mùa trăng thứ nhất Đưa anh vào trong cõi mộng xa xăm Giọt tinh huyết ngàn năm sau chưa mất Rừng đông phương mù mịt dấu em nằm. Thơ Việt Nam
29982
https://vi.wikisource.org/wiki/B%C3%ADnh%20Ng%E1%BB%8D%20%C4%91%C3%A0o%20ti%C3%AAn%20%E1%BB%A9ng%20b%C3%A1ch%20ni%C3%AAn
Bính Ngọ đào tiên ứng bách niên
Tặng Tuyết muội muội Chuyện nhớ năm sinh Bính Ngọ niên, Tuổi mừng Bính Ngọ hội đào tiên. Sáu mươi năm trải vòng hoa giáp, Một tấm lòng say mộng thánh hiền. Có ít có nhiều thôi cũng đủ, Dầu không dầu được vẫn là duyên. Gia đình đầm ấm vui con cháu, Vui với nàng Thơ hẹn bách niên. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
29983
https://vi.wikisource.org/wiki/B%C6%A1i%20thuy%E1%BB%81n%20ch%C6%A1i%20%C4%90%C3%B4ng%20H%E1%BB%93
Bơi thuyền chơi Đông Hồ
Mặt nước hòn non nổi, Đáy hồ mảnh nguyệt trôi. Chiếc thuyền thong thả dạo, Tiếng hát động chân trời. Thơ Việt Nam Ngũ ngôn tứ tuyệt
29984
https://vi.wikisource.org/wiki/B%E1%BB%A5i%20tr%C3%BAc%20sau%20m%C6%B0a
Bụi trúc sau mưa
Bên đường có bụi trúc, Mới tắm trận mưa rào. Quân tử nghiêng mình xuống, Đi qua ta cúi đầu. Thơ Việt Nam Ngũ ngôn tứ tuyệt
29985
https://vi.wikisource.org/wiki/C%E1%BA%A3nh%20h%E1%BB%8Dc%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng%20%C3%A2n%20gi%C3%A1o%20d%E1%BB%A5c
Cảnh học đường ân giáo dục
Giữa chốn thành Phương có cảnh vườn, Cảnh vườn phong cảnh thực u nhàn. Cỏ cây hoa lá chiều thanh tú, Trong ngoài bốn mặt đều hoàn toàn. Vườn trồng đủ mọi thứ hoa thảo, Hồng, tía, xanh, vàng khắp một vùng. Thứ đẹp ở hoa, thứ ở lá, Thứ về xuân hạ, thứ thu đông. Dòng ngang luống dọc từng từng lớp, Sắc đẹp hương thơm đủ mọi chiều, Thứ thì rực rỡ thứ đầm thấm, Thứ trông hùng dũng thứ yêu kiều. Vườn có trồng sen, có trồng trúc, Có cả phù dung lẫn mẫu đơn. Vườn trồng tùng bá, trồng đào lý, Lại trồng thược dược, trồng mai lạn. Vườn hoa cảnh tượng được sinh sắc, Tưới nước vun phân nhờ có người, Biết bao sớm trưa công khó nhọc, Đã nhiều săn sóc nhiều tài bồi. Tinh thần cốt cách nét tươi tỉnh, Thu cúc xuân lan vẻ mặn mà, Nầy khóm hoa hồng, cành trúc biếc, Dịu dàng xinh xắn biết bao là! Cây cảnh vườn nay đã cao mát, Tán rợp cành dài hoa quả tươi. Gió bấc, mưa thu, nắng hạ dãi, Sớm chiều mây hợp, tối trăng soi. Cảnh vườn xuân kia cảnh trường học, Hoa cỏ này là bọn trẻ thơ; Tưới nước vun phân: người giáo hoá, Đầm thấm dồi dào ân móc mưa. Mùa xuân nở hoa, thu kết quả, Vườn xuân “trí đức” ngày thêm xuân; Trông ra cảnh sắc trái bông ấy, Cám ơn tô điểm nghìn muôn lần. Hái hoa đưa tặng người vun tưới, Hương hoa sực nức vị “văn chương”; Ba xuân tấc cổ tình sư đệ, Một hội trăm năm cảnh học đường. Thơ Việt Nam
29986
https://vi.wikisource.org/wiki/C%E1%BA%A3nh%20tr%C4%83ng%20tr%C3%AAn%20%C4%90%C3%B4ng%20H%E1%BB%93
Cảnh trăng trên Đông Hồ
Đông Hồ nhứt phiến nguyệt, 東湖一片月 Đã chơi trăng cho phải biết tình trăng. Hồ chi tĩnh đối nguyệt chi hằng, 湖之靜對月之恆 Hồ có nguyệt lại càng tăng cảnh sắc. Nguyệt chiếu bình hồ thi mãn bức, 月照平湖詩滿幅 Hồ hàm minh nguyệt tửu doanh tôn. 湖涵明月酒盈樽 Hồ chưa vơi, nguyệt hãy còn non, Nguyệt chẳng khuyết hồ vẫn còn với nguyệt. Lững thững dạo thuyền lan một chiếc, Góp gió trăng thề thuyết với non sông. Nước kia để chữ “tương phùng”, Trăng kia tỏ mặt hào hùng này chăng? Xinh thay kìa nước nọ trăng! Hát nói
29987
https://vi.wikisource.org/wiki/Chinh%20chi%E1%BA%BFn
Chinh chiến
Đất mát, trời thơm, sông nhẹ nhẹ, Trăng hiền, mưa ngọt, gió vương vương; Đời nhìn âu yếm cười nhung lụa, Vạn vật ru nhau giấc ngọc vàng. Đất giận, trời nghiêm, sông lẳng lặng, Trăng buồn, mưa xót, gió thê lương. Đời nhìn bẽn lẽn cười chanh ớt, Vạn vật đưa nhau đến chiến trường. Đất lệch, trời nghiêng, sông cuồn cuộn, Trăng cuồng, mưa loạn, gió đau thương. Đời nhìn hằn hộc cười nanh vuốt, Vạn vật giành nhau miếng máu xương. Sợ chết, giết nhau giành lấy sống; Giành nhau cho được sống huy hoàng. Yêu sống giết nhau không sợ chết, Giành nhau cho được chết vinh quang. Ôi! đến bao giờ chinh chiến hết? Hỏi làm chi nhỉ? chuyện hoang đường? Than làm chi nhỉ? đời ly loạn? Vạn vật từ xưa đã chủ trương. 1947 Thơ Việt Nam
29988
https://vi.wikisource.org/wiki/Ch%C6%A1i%20B%E1%BA%A1ch%20Th%C3%A1p%20%C4%91%E1%BB%99ng
Chơi Bạch Tháp động
Bạch Vân thăm dấu cũ, Bạch Tháp nhớ người xưa; Người Bạch Vân đã vắng, Động Bạch Tháp còn trơ; Người Bạch Vân chẳng thấy, Chòm bạch vân phất phơ. Hỏi đá, đá không nói; Hỏi mây, mây làm ngơ. Nhìn đá lòng ngơ ngẩn; Trông mây dạ thẫn thờ. Kim cổ màu rêu phủ, Tang thương bóng nhật mờ. Ngàn cây cơn gió thoảng, Cửa động tiếng chuông đưa. Nghe kinh lòng tục sạch, Lăng kệ giấc tiên mơ. Trần gian hay Cực lạc? Bây giờ là bao giờ? Người nay tình cảnh ấy, Lai láng mảnh hồn thơ. 1925 Thơ Việt Nam
29989
https://vi.wikisource.org/wiki/Ch%C6%A1i%20hoa
Chơi hoa
Vườn xuân hoa đã nở, Dạo bước thử tìm hoa. Sắc đẹp hương thơm đủ, Hoa cười hoa cợt ta. Thơ Việt Nam
29990
https://vi.wikisource.org/wiki/Ch%C6%A1i%20n%C3%BAi%20T%C6%B0%E1%BB%A3ng%20s%C6%A1n
Chơi núi Tượng sơn
Ngày hạ buổi gió hoà mây lạnh, Dắt tay lên tuyệt đỉnh Tượng sơn. Đầu non tranh phủ xanh non, Xa trông xanh rợn càn khôn bốn bề. Đường núi xuống quanh về nẻo tắt, Đua hái hoa cài giắt mái đầu. Tranh nhau múa hát qua cầu, Hoa vàng gió cuốn bay màu phất phơ. Xinh thay cảnh vật nên thơ! Thơ Việt Nam Song thất lục bát
29991
https://vi.wikisource.org/wiki/Ch%C6%A1i%20T%C3%B4%20Ch%C3%A2u
Chơi Tô Châu
Bảng lảng ngàn Tô bóng xế chiều, Anh em năm bẩy cảnh lần theo. Lòng sông sóng gợn trời xa thẳm, Mặt biển buồm bay gió thồi vèo. Trong vắt nước ngâm lồng bóng trúc, Chênh vênh cầu bắc gác lưng đèo. Ai về nhắn hỏi người tang hải? Trần thế ngày vui được bấy nhiêu? Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
29992
https://vi.wikisource.org/wiki/Chu%C3%B4ng%20vang
Chuông vang
Ngân nga hồi chuông chiều, Ngân nga hồi chuông sớm, Chiều sớm chuông ngân nga, Gieo khắp không gian hồi thảm đạm. Không gian tràn khắp mênh mang, Mênh mang tràn khắp lòng bi cảm. Chuông tan trong không gian, Lòng tan theo chuông vang, Lòng tan trong không gian, Lòng tan theo mơ màng. Nhớ thương và Nhớ thương, Quê hương và Quê hương, Lòng tan theo thương nhớ, Lòng tan theo Quê hương. 1946 Thơ Việt Nam
29993
https://vi.wikisource.org/wiki/C%C6%B0%E1%BB%9Di%20khan
Cười khan
Có phải đời em lắm cảnh nhàn, “Đã không đổ luỵ lại cười khan”; Cười khan vì đã hết nước mắt, Ai biết những ngày lệ chứa chan! Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
29994
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81%20%E1%BA%A3nh%20t%E1%BB%B1%20c%C6%B0%E1%BB%9Di%20m%C3%ACnh
Đề ảnh tự cười mình
Cũng phết nhà nho cũng áo khăn, Tha hương xem phải khách làng văn. Làng văn thiệt giả lòng mình biết, Bộ cánh ngoài trông chẳng chắc bằng! Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
29995
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81%20b%C3%ACnh%20c%E1%BA%AFm%20hoa%20l%C3%A0i%20v%C3%A0%20hoa%20h%E1%BB%93ng
Đề bình cắm hoa lài và hoa hồng
Trắng ngà trong ngọc dạng hoa lài, Thắm thắm hoa hồng kịp sánh vai. Nhìn ngắm hoa thương hương sắc ấy, Đẹp thơm chẳng giữ được ngày mai, Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
29996
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81%20b%C3%ACnh%20mai%20hoa
Đề bình mai hoa
Muôn hồng nghìn tía vẻ tươi cười, Lũ lượt tầm phương khắp mọi nơi; Nô nức gần xa ai đó tá? Chơi xuân tôi chỉ một cành mai. Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
29997
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81%20s%C3%A1ch%20ti%E1%BB%83u%20thuy%E1%BA%BFt%20%22Nho%20phong%22
Đề sách tiểu thuyết "Nho phong"
Thi thư nền cũ nếp “Nho phong”, Đau đớn cho ai kiếp má hồng. Sóng gió chẳng sờn lòng tiết liệt, Trời Nam gương để chị em trông. Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
29998
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81%20t%E1%BB%AB
Đề từ
Dâu chìm bể nổi đã bao phen, Ngọc sót vàng rơi dở trước đèn. Muôn nẻo tìm đâu trời đất lạ, Nghìn xưa thấy lại thánh hiền quen. Anh hoa bút điểm son tươi nét, Tinh tuý nghiên say đá vững nền. Kim cổ cách đôi bờ thế hệ, Cảm thông cùng bắc nhịp giao liên. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
29999
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81%20v%C6%B0%C6%A1ng%20gi%E1%BA%A3%20h%C6%B0%C6%A1ng%20%C4%91%C3%ACnh
Đề vương giả hương đình
Đâu đây thoang thoảng gió hương ngàn, Hương gió ngàn chăng hương gió lan. Cho mực đượm vào hương sực nức, Cho thơ hoà với gió mơn man. Phương tâm tìm được trong vương giả, U cốc gần nhau giữa thế gian. Dầu chẳng đá rêu dầu chẳng suối, Lòng tiên cõi tục cũng thanh nhàn. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30000
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%C3%AAm%20%C4%91%C3%B4ng%20nh%E1%BB%9B%20b%E1%BA%A1n
Đêm đông nhớ bạn
Trận gió thê lương thổi lọt song, Phòng văn hơi giá lạnh như đồng. Phương trời ai đó, người tri kỷ, Chăn chiếu đêm nay có lạnh lùng? Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
30001
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%C3%AAm%20l%E1%BA%A1i%20li%C3%AAu%20trai
Đêm lại liêu trai
Dễ hay tình lại gặp tình (Tố Như) Nhớ thương ngập nẻo sầu cô quạnh, Xa lắm tiền thân từ kiếp nào, Đêm ấy đều đều mưa đếm giọt, Ngàn thông reo tiếng, nước lao xao. Mắt ngừng vơ vẩn trên tờ sách, Sửa lại trầm cho khói bốc cao. Lửa nến run run mờ bóng chữ, Lách mình khe cửa, gió len vào. Một luồng hơi thoảng hương xiêm áo, Ngất lịm mùa thơm tóc trái đào. Vàng ngọc tiếng khua rung khe khẻ, Nhìn quanh lòng rợn ý nao nao. Gió im, bóng lửa bừng tim sáp, Khép áo, giai nhân chúm chím chào. Đợi mãi nghìn xưa lời hẹn ước, Đường về không một bóng trăng sao. Bụi mưa ướt thấm trên mình lụa, Màn gió rèm sương ngỏ đón rào. Băng giá ngoài kia, ôi lạnh lẽo, Đây lò hương sưởi chất thơ đào. Đôi bàn tay ủ đôi tay ấm, Suối mắt tình cho uống khát khao. Hồng hạnh thơm bừng gò má nóng, Khơi nguồn thông cảm phút lao đao. Ngây thơ thuyền ghé bờ ân ái, Bóng đợi, hình mong, duyên ướt ao. Đã gặp rồi đây mùa tưởng mộng, Men lòng say ngọt ý bồ đào. Yêu đương đâu phải vì non biển, Khắng khít cần chi đến tất giao. Một sợi tóc tơ huyền đủ buộc, Nghìn năm người thực với chiêm bao. Thơ Việt Nam
30002
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%C3%AAm%20nguy%E1%BB%87t%20%C4%91%C3%B4ng
Đêm nguyệt đông
Dậy đi thôi con thuyền nằm dưới bến, Năm mười sáu em bắt đầu thấy rát Khắp trong người rờn rợn máu đang căng Hồn hoa đã động tình đêm thứ nhất Em đến nằm phơi mộng giữa vườn Trong bóng lá anh thấy mình chết điếng Cả xác thân rơi rụng bãi cô liêu Từ dạo đó anh đâm ra lười biếng Bởi mộng đời còn lại có bao nhiêu. Thơ Việt Nam
30003
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%C3%B4ng%20H%E1%BB%93%20c%E1%BA%A3nh%20s%E1%BB%9Bm
Đông Hồ cảnh sớm
Phất phơ bờ cỏ sắc xuân rờn, Nước chạy trời trôi liễu đứt chân. Cá lộn ngang cành chim liệng sóng, Xuôi dòng vài bốn chiếc thuyền con. Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
30004
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%E1%BB%A3i%20m%C3%B9a%20xu%C3%A2n%20l%E1%BB%9Bn
Đợi mùa xuân lớn
Mỗi năm ăn một mùa xuân nhỏ, Đợi một mùa xuân lớn chửa về. Sáu chục ba trăm ngày nặng chĩu, Thời gian từng bước kéo lê thê. Áo hoa mặc phủ ngoài năm tháng, Che đậy lần trong lớp máu me. Trời đất chiều qua đầy bụi xám, Sáng này rạng rỡ ánh pha lê. Véo von chim gởi lời ân ái, Ngào ngạt trầm dâng khói quyện thề. Đã bốc lên rồi men đất nước, Rượu đời dân tộc uống say mê. Quê hương lệ ước dòng xa vắng Là một vần thơ rơi cánh lê Để điểm cho mùa xuân dịu dịu, Mùa xuân rực rỡ sắc hoa hoè. Thương Xanh nhớ Biếc lòng Sông núi, Biển bạc hồ lam. Ôi bóng quê! Thơ Việt Nam
30005
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%C6%B0a%20b%E1%BA%A1n%20l%C3%A0ng%20v%C4%83n
Đưa bạn làng văn
Từ đây non nước đã chia đôi, Người một trời trông kẻ một trời; Nhắn bảo khách thơ về có nhớ: Đồng Hồ trăng gió để ai chơi? Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
30006
https://vi.wikisource.org/wiki/Giang%20th%C3%A0nh%20c%E1%BA%A3nh%20chi%E1%BB%81u
Giang thành cảnh chiều
Hiu hắt bờ tre trận gió chiều, Giang thôn ai vẽ cảnh đìu hiu; Trống đồn lẩn tiếng chuông chùa vắng, Khêu gợi lòng ai cảm khái nhiều! Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
30007
https://vi.wikisource.org/wiki/Gi%E1%BA%A5c%20ng%E1%BB%A7%20tr%C6%B0a
Giấc ngủ trưa
Thôi lọt song thưa trập gió ào, Làm tan sự thú lúc chiêm bao; Chiêm bao thú ấy còn vơ vẩn, Mộng tỉnh người xa nhớ xiết bao. Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
30008
https://vi.wikisource.org/wiki/Gi%E1%BB%AFa%20ch%E1%BB%A3%20%C4%91%E1%BB%9Di
Giữa chợ đời
Giấy mực đau lòng chữ nghĩa Tài hoa phô giữa chợ đời Những nghĩ e hồng thẹn tía Chi cho bướm cợt ong cười Mấy độ phai sương nhạt nắng Mắt xanh còn luyến gót đường Giữ chút niềm Trinh ý Trắng Gửi lòng tri kỷ muôn phương Xuân Giáp Thìn 1964 Thơ Việt Nam
30009
https://vi.wikisource.org/wiki/G%E1%BB%ADi%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20t%E1%BA%B7ng%20hoa
Gửi người tặng hoa
Trong lúc chia tay bạn tặng hoa, Hoa nay đã nở, bạn còn xa; Trông hoa như nhắc lòng thương nhớ, Vẻ nụ cười ai, vẻ nụ hoa. Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
30010
https://vi.wikisource.org/wiki/Hai%20gi%E1%BB%8Dt%20l%E1%BB%87
Hai giọt lệ
Giọt lệ thu kia vẫn đượm sầu, Cánh chim Linh Phượng biết về đâu. Đài gương nhạt phấn phôi pha nét, Viện sách tàn hương lạnh lẽo màu. Cõi bắc trời nam hai giọt lệ, Đông hồ Tương phố một dòng châu. Đoạn trường gặp gỡ năm canh mộng, Một hội thương tâm một dịp cầu. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30011
https://vi.wikisource.org/wiki/Hoa%20h%E1%BB%93ng
Hoa hồng
Trước rèm thoang thoảng gió, Tha thướt đoá hoa hồng. Khéo khéo xinh xinh lắm, Càng trông lại muốn trông. Thơ Việt Nam Ngũ ngôn tứ tuyệt
30012
https://vi.wikisource.org/wiki/Hoa%20h%E1%BB%93ng%20bu%E1%BB%95i%20s%C3%A1ng
Hoa hồng buổi sáng
Sáng sớm đoá hoa hồng, Cánh thắm đượm mầu sương. Giọt lệ hồng nhan đó, Buồn cho cuộc tang thương. Thơ Việt Nam Ngũ ngôn tứ tuyệt
30013
https://vi.wikisource.org/wiki/Hoa%20r%E1%BB%A5ng%20%28I%29
Hoa rụng (I)
Ban mai còn tươi tốt, Chiều xế đã tơi bời. Sớm muộn lẽ có khác, Người ta cũng thế thôi! Thơ Việt Nam Ngũ ngôn tứ tuyệt
30014
https://vi.wikisource.org/wiki/Hoa%20r%E1%BB%A5ng%20%28II%29
Hoa rụng (II)
Vừa mới hôm nao nở tríu cành, Mà nay hoa rụng đã tan tành; Yêu hoa ai khách tầm phương đó, Một cánh hoa rơi một mảnh tình. Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
30015
https://vi.wikisource.org/wiki/K%C3%ADnh%20ti%E1%BB%85n%20Nguy%E1%BB%85n%20%C4%91%E1%BA%A1i%20nh%C3%A2n%20tr%C3%AD%20s%C4%A9
Kính tiễn Nguyễn đại nhân trí sĩ
Biển hoạn mênh mang khéo bất bình! Làm chi cho nhọc đám công danh! Giang hồ bầu bạn hợp tan mặt, Tòng cúc anh em say tỉnh tình. Tiên quận há không trăng gió sẵn, Tân An còn có nước non dành. Gió đông đã dãi qua màu chạp, Vườn cũ thăm xuân xuân vừa xinh. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30016
https://vi.wikisource.org/wiki/K%C3%BD%20ng%C3%A0y%20t%C6%B0%C6%A1ng%20bi%E1%BB%87t%20%C3%B4ng%20H%C6%B0%C6%A1ng%20Ti%C3%AAn
Ký ngày tương biệt ông Hương Tiên
Thanh khí gây nên chuyện ứng cầu, Khi thân lọ phải hẹn hò nhau; Mây bèo cảm thấy màu tan hợp, Non nước buồn trông cuộc bể dâu; Gió bụi mịt mù trường bốn biển, Bút nghiên dìu dặt hội năm châu; Tiễn đưa có chút tình trân trọng, Kìa nước Hồ Đông một vũng sâu. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30021
https://vi.wikisource.org/wiki/K%C3%BD%20ng%C3%A0y%20t%C6%B0%C6%A1ng%20ng%E1%BB%99%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20b%E1%BA%A1n%20c%C5%A9
Ký ngày tương ngộ người bạn cũ
Nghìn dặm bèo mây bỗng gặp nhau, Bao nhiêu mừng cảm bấy nhiêu sầu; Rõ ràng năm trước người trong mộng, Ngơ ngẩn ngày nay khách dưới lầu; Nhất kiến đã đành ôn chuyện cũ, Trùng phùng âu hẵng đợi duyên sau; Một phen gặp gỡ phen thay đổi, Trăng nước Hồ Đông vẫn một mầu. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30022
https://vi.wikisource.org/wiki/Lan%20%22Nguy%E1%BB%87t%20d%E1%BA%A1%22
Lan "Nguyệt dạ"
Một vừng thơm nức cảnh hôn hoàng, Nét lá chiều hoa vẻ dịu dàng; Thân ngọc gội nhuần sương tiết sạch, Lòng vàng soi tỏ nguyệt đêm trường; Canh thâu tránh khỏi đường ong bướm, Nắng dãi phòng phai vẻ phấn hương; “Vương giả” dẫu rằng chưa sánh được, Chị em không thẹn bạn quần phương. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30023
https://vi.wikisource.org/wiki/L%C3%AAn%20ch%C6%A1i%20n%C3%BAi%20%C4%90%E1%BA%A1i%20T%C3%B4%20Ch%C3%A2u
Lên chơi núi Đại Tô Châu
Một bước đăng lâm thú đủ ngần, Nài chi khi mỏi gối chồn chân. Cỏ hoa êm lặng không màu tục, Cây đá thiên nhiên khác về trần. Lác đác dưới chân non nước nhỏ, Chập chờn trước mặt khói mây gần. Càng lên càng thấy trời cao rộng, Giấc mộng phù sinh bỗng tỉnh dần. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30024
https://vi.wikisource.org/wiki/M%E1%BB%99ng%20th%E1%BA%A5y%20em%20nh%C3%A0
Mộng thấy em nhà
Nhớ em ngơ ngẩn dạ vò tơ, Muôn dặm theo nhau đến tự giờ; Làng cũ vẩn vơ hồn tử lý, Hiên xưa quên phắt thú cầm thơ; Anh tài chỉ thiếu người thiên hạ, Trời đất ghen gì kẻ tuấn hoa; Giấc mộng còn mơ người đã vắng, Nửa rèm chênh chếch bóng trăng tà. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30025
https://vi.wikisource.org/wiki/M%E1%BB%99t%20lo%C3%A0i%20hoa%20v%C3%A0ng
Một loài hoa vàng
Kỳ sắc như cúc chi hoàng Kỳ hương nhược lan Hoa nở nụ đầu Niềm trinh ý trắng Hái hoa phong tặng Hương lắng tờ mây Hoa cho thơm tuổi thơ ngây Thơm tay người hái thơm tay người trồng Nay một bông mai lại một bông Yêu hoa xin giữ tấm lòng cho nhau Trăm năm về sau nghìn năm về sau Mang mang trời đất Ai cười ai khóc Ai vui ai sầu Cánh hoa còn giữ tươi màu thời gian Xuân không nở mà thu không tàn Tinh hoa sắc núi với hương ngàn đâu phai (1963) Thơ Việt Nam
30026
https://vi.wikisource.org/wiki/Mua%20%C3%A1o
Mua áo
- Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi, Em đâu còn áo mặc đi chơi Bán thơ, nhân dịp anh ra chợ, Đành gởi anh mua chiếc mới thôi! - Hàng bông mai biếc màu em thích, Màu với hàng, em đã dặn rồi Còn thước tấc, quên! Em chửa bảo: Kích từng bao rộng, vạt bao dài? - Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ! Thước tấc anh còn lựa hỏi ai. Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó, Ngắn dài, người mới tựa bên vai! Thơ Việt Nam
30027
https://vi.wikisource.org/wiki/M%E1%BB%ABng%20t%C3%A2n%20h%C3%B4n
Mừng tân hôn
Nguyệt lão cầm chân, buộc chỉ hồng, Mừng trai nên vợ, gái nên chồng, Trăng rằm hoa nhị tình đăm thắm, Phận cải duyên kim nghĩa mặn nồng. Một cửa thơ hương gồm phúc lộc, Trăm năm tơ tóc hẹn non sông. Giang san một cuộc cùng chung gánh, “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông”. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30028
https://vi.wikisource.org/wiki/Nh%E1%BB%9B%20r%E1%BA%B1m%20th%C3%A1ng%20hai
Nhớ rằm tháng hai
Non Bình San lững lờ bóng nguyệt Nước Đông Hồ man mác hơi may Cũng rằm năm ngoái tháng này, Cũng trong, cũng nước non này năm xưa Cảnh năm trước vẫn là năm trước, Tình năm xưa đã khác năm xưa, Này trăng, này núi, này hồ, Mà người cùng ngắm bây giờ là đâu? Chợt nhớ thuở trăng nhô đầu núi, Dưới bóng trăng lủi thủi bóng ai. Bóng ai tha thướt cành mai, Cành mai tuyết điểm, cành mai trăng lồng. Ta cùng ai thong dong dưới nguyệt, Sẽ dang tay người ngọc thẩn thơ. Hồ Đông một vũng nông sờ, Non Bình một dãy tờ mờ ngọn cao. Em mới hỏi: “Trăng sao sáng tỏ,” Ánh đáp rằng: “Trăng có đôi ta” Bây giờ em đã vắng xa, Vầng trăng cũng vẫn chưa loà bóng gương. Ấy mới biết trăng thường soi tỏ, Mà lòng ta vẫn có với nhau. Màu trắng cũng vẫn một màu, Mà màu mai tuyết thế nào, đổi thay? Khóm lau lách lung lay trận gió, Khiến lòng anh nhớ chỗ năm xưa. Bóng ai trăng dãi thướt tha, Tiếng ai gió thổi gần xa đòi hồi. Nay vẻ tuyết chiều mai đã vắng, Tiếng ai còn văng vẳng bên mình. Bụi hồng đã mỏi mắt xanh, “Xa xôi ai có hay tình chăng ai?” Đi về những lối này năm nọ, Anh vắng em, anh nhớ xiết bao. Non Bình này vẫn cao cao, Nước Hồ kia vẫn một màu xanh xanh. Ngơ ngẩn mãi với tình non nước, Nước cùng non đôi bức sầu treo Nước non, non nước đìu hiu, Người xưa cảnh cũ biết bao nhiêu tình! Thơ Việt Nam Song thất lục bát
30029
https://vi.wikisource.org/wiki/Nh%E1%BB%9D%20Tr%C3%AD%20%C4%90%E1%BB%A9c%20h%E1%BB%8Dc%20x%C3%A1
Nhờ Trí Đức học xá
Quốc ngữ duyên kia lỡ hẹn hò! Buồn duyên thêm não cảnh tiêu sơ? Huệ lan hoa thoảng mùi hương cũ, Đào trúc cành lay vẻ gió xưa. Kỷ án vẳng nghe lời giảng đọc, Núi rừng còn nhớ cuộc nộ đùa. Tháng ngày mưa nắng bao thay đổi, Chi xiết lòng ai nỗi thẫn thờ! Chữ Trí Đức mưa nhoà nét mực, Mùi huệ lan gió nhạt mùi hương; Hồn phong nhã, cảm văn chương, Hồ sơn mây nước thê lương sớm chiều. Nhớ những nhớ ngày nào năm nọ, Hạt quốc văn gieo thuở ban đầu; Trải bao nắng hạ sương thu, Mầm non sẽ nảy, cành tơ sẽ chồi. Rồi đến buổi ra đài nở nhị, Giữa thành Phương, hoa “Trí Đức” tươi; “Đầu mùa” xuân có hoa mai, Sớm đem hương sắc chào cười chủ nhân. Buổi mới dẫu còn phần thưa thớt, Nhưng đã nhiều cốt cách tinh thần. Vườn hồng tỏ mặt Đông quân, Bõ công vun tưới ân cần bấy lâu. Bỗng bèo nước vẽ màu ly biệt. Cảnh Hồ Đông vắng nét hoa mai; Thôi đành tan hợp cuộc đời, Thôi đành nước chảy hoa trôi ngậm ngùi. Thôi đành hãy tài bồi lớp khác, Hẳn cũng còn hương ngát màu tươi. Công trình kể biết mấy mươi, Nắng mưa chưa dễ ăn ngồi cho yên. Dẫu ngày tháng bao phen thay đổi, Vẫn sớm hôm mọi nỗi ân cần; Hơi xuân đâu lại thấm nhuần, Màu xuân đâu lại mười phân đậm đà. Vườn Trí Đức “Bông hoa đua nở”, Sắc hương cùng một lứa thanh tân; Trước sau dù có đôi lần, Mà trong khí vị tinh thần khác chi. Đã đẹp chốn hồng khoe biếc mở, Lại đẹp trong nhị nở đài tươi; Oanh ca én hót vui cười, Vườn trời xuân sắc, lòng người văn chương. Lòng những nghĩ xuân quang vô tận, Cảnh thần tiên còn hẹn nhiều ngày; Tương lai còn lắm điều hay, Cành “hoa quốc ngữ” còn tươi tốt nhiều. Đang mong đợi bao nhiêu mộng cảnh, Trận gió qua chợt tỉnh mơ màng; Trước mành tơ liễu bay vàng, Đầy thềm hoa rụng bẽ bàng xuân đi. Kiếp hồng tử đến kỳ linh lạc, Dãi màu xuân phấn lạt hương tàn; Thuốc nào giữ được hồng nhan, Phương nào chữa được hoa tàn lại tươi. Gió tung cuốn tơi bời hoa rụng, Ngùi trông theo cảm động muôn vàn; Đuổi xuân nhặt cánh hoa tàn, Tấm sầu xuân những bàn hoàn ngẩn ngơ! Nào hay cảnh tiêu sơ vắng vẻ, Còn chùm hoa lẻ tẻ cuối mùa; Yêu hoa há có hững hờ, Xuân chiều hoa muộn càng âu yếm nhiều. Hoa nọ dẫu không yêu kiều lắm, Lòng thơm kia riêng cảm với ai; Dầu chăng sắc nước hương trời, Mà hương sắc đủ vui người vô liêu. Hương sắc ít nhưng nhiều ý vị, Cùng Đông quân chung thuỷ có nhau; Có nhau trong cảnh vui sầu, Cảnh vui hoa thịnh, cảnh sầu hoa suy; Có cùng nhau trăng khuya mây tối, Có cùng nhau gió núi mưa ngàn; Có nhau thu vãn xuân tàn, Hơi huân ngày hạ, cơn hàn tháng đông. Nay là cảnh thưa hồng rậm lục, Rồi xuân không mấy lúc phôi pha; Rồi đây tháng lại ngày qua, Hương thừa còn chút “Bông hoa cuối mùa”. Còn đâu nữa gió đưa mây đón, Còn đâu là lá mởn hoa tươi; Còn đâu sóng bãi trăng đồi, Còn đâu khúc hát câu cười non sông. Hội nghiên bút tao phùng đâu nữa, Lệ văn chương giọt ứa cảm hoài; Mịt mù trong cõi trần ai, Cao sơn lưu thuỷ ai người tri âm. Hoa lan mọc âm thầm hang tối, Qua đường, ai kẻ hỏi mùi hương? Liên thành giá ngọc ai thương? Nắm xương thiên lý nghìn vàng ai mua? Thôi đành chịu người thua cảnh ngộ, Cảnh không may thực khó mà nên; Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên, Năm năm ba bận tình duyên lỡ làng! 1931 Thơ Việt Nam
30030
https://vi.wikisource.org/wiki/Nh%E1%BB%9B%20v%E1%BB%A3%20hi%E1%BB%81n
Nhớ vợ hiền
Chăn gối cùng nhau những ấm êm, Bỗng làm ngọc nát, bỗng châu chìm. Đầm đìa giọt thảm khăn hồng thấm, Lạnh lẽo đêm xuân giấc mộng tìm. Hình dạng mơ màng khi thức ngủ, Tiếng hơi quanh quẩn nếp y xiêm. Bảy năm vui khổ, nghìn năm biệt, Sớm gió chiều mưa lắm nỗi niềm. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30031
https://vi.wikisource.org/wiki/Nh%E1%BB%AFng%20c%C3%A1nh%20thi%E1%BA%BFp%20T%E1%BA%BFt%20b%C3%A0i%201
Những cánh thiếp Tết bài 1
mở lòng hoa Sách mở thu trang diễm diễm Hoa mở bốn mùa tươi Sách mở vạn xuân đời Vườn xuân nghìn cánh Thiên nhiên nở Diễm diễm nghìn trang Chữ nghĩa cười Ý ngát tình thơm lòng giấy mực Tờ thơ xuân thắm gửi ai ai Tết năm Canh Dần 1950 Thơ Việt Nam
30032
https://vi.wikisource.org/wiki/Nh%E1%BB%AFng%20c%C3%A1nh%20thi%E1%BA%BFp%20T%E1%BA%BFt%20b%C3%A0i%202
Những cánh thiếp Tết bài 2
Vạn thuở xuân còn trên đất Việt Xuân còn trên đất Việt thân yêu Vườn xuân hơn hớn hoa Văn học Hơn hớn vườn xuân diễm diễm kiều Đến mùa, xuân đến, mùa xuân thắm Mực vẩy trân châu bút điểm vàng Xuân đến thư trang, xuân diễm diễm Muôn nghìn hoa Chữ nở Văn chương Tết năm Tân Mão 1951 Thơ Việt Nam
30033
https://vi.wikisource.org/wiki/Nh%E1%BB%AFng%20c%C3%A1nh%20thi%E1%BA%BFp%20T%E1%BA%BFt%20b%C3%A0i%203
Những cánh thiếp Tết bài 3
Ấp ủ men xuân lòng đất nước Từ xưa chưa lỗi hẹn bao giờ Cũng như hoa, đến mùa xuân, nở Mực, đến mùa xuân, dậy ý thơ Giấy trải tờ hồng làn má thắm Bút rơi giọt xạ nét mi huyền Nàng xuân diễm diễm cười trong sách Lời ngọc câu vàng chữ nhoẻn duyên Tết năm Nhâm Thìn 1952 Thơ Việt Nam
30034
https://vi.wikisource.org/wiki/Nh%E1%BB%AFng%20c%C3%A1nh%20thi%E1%BA%BFp%20T%E1%BA%BFt%20b%C3%A0i%204
Những cánh thiếp Tết bài 4
Xuân nở bốn phương trời diễm diễm Bốn phương trời ngỏ cánh thư trang Mây tuôn nam bắc tờ hoa gấm Gió lộng đông tây tiếng ngọc vàng Nước mực hoà tan lòng đại khối Tin văn gửi khắp ý quần phương Thiếp đào lá thắm trôi dòng ngự Thả rụng thơ xuân vạn nẻo đường Tết năm Quý Tị 1953 Thơ Việt Nam
30035
https://vi.wikisource.org/wiki/Nh%E1%BB%AFng%20c%C3%A1nh%20thi%E1%BA%BFp%20T%E1%BA%BFt%20b%C3%A0i%205
Những cánh thiếp Tết bài 5
Đời mở lòng xuân từ vạn thuở Mà xuân vẫn giữ ý nguyên trinh Từ lâu sách mở lòng trang chữ Chữ vẫn còn nguyên ý đẹp lành Cánh gió mở tung trời nghệ thuật Bốn phương chim rải ý nguyên trinh Buồm mây đỗ khắp bờ văn học Diễm diễm thuyền đem ý đẹp lành Tết năm Giáp Ngọ 1954 Thơ Việt Nam
30036
https://vi.wikisource.org/wiki/Nh%E1%BB%AFng%20c%C3%A1nh%20thi%E1%BA%BFp%20T%E1%BA%BFt%20b%C3%A0i%206
Những cánh thiếp Tết bài 6
Đền Thơ tên yết bảng son Trạng Thơ gọi chút đền ơn lạng vàng Đem vào diễm diễm thư trang Thì treo giải nhất chi nhường cho ai Tết năm Ất Mùi 1955 Thơ Việt Nam Lục bát
30037
https://vi.wikisource.org/wiki/Nh%E1%BB%AFng%20c%C3%A1nh%20thi%E1%BA%BFp%20T%E1%BA%BFt%20b%C3%A0i%207
Những cánh thiếp Tết bài 7
望 美 人 兮 天 一 方 Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương, Tơ tình xưa để mối nay vương. Thơ lai láng khắp hồn kim cổ, Mực đậm đà thêm ý cỏ sương. Nhà ngọc mong treo vẫn yiễm tuyệt, Lạng vàng dám đổi giá tương đương. Ơn nhờ son phấn duyên tri kỷ, Cho một lần xuân một nõn nường. Tết năm Bính Thân 1956 Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30038
https://vi.wikisource.org/wiki/Nh%E1%BB%AFng%20c%C3%A1nh%20thi%E1%BA%BFp%20T%E1%BA%BFt%20b%C3%A0i%208
Những cánh thiếp Tết bài 8
Con nhà ai đó hỡi cô nường, Cô Việt nhà ta gái đảm đương. Đôi thúng triêng hoằng vai đất nước, Bốn nghìn năm lẻ tuổi tinh sương. Son Âu phấn Mỹ càng tươi thắm, Tình Lạc duyên Hồng cứ vấn vương. Cao kín Tràng Sơn khuê trướng rủ, Mây mưa quanh đó mặc ngàn phương. Tết năm Đinh Dậu 1957 Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30039
https://vi.wikisource.org/wiki/Nh%E1%BB%AFng%20c%C3%A1nh%20thi%E1%BA%BFp%20T%E1%BA%BFt%20b%C3%A0i%209
Những cánh thiếp Tết bài 9
Tóc đen mắt nhánh mực nhung huyền, Mặt trắng lòng thơm giấy phẩm tiên. Phận mỏng chẳng nương theo cánh gió, Nghĩa dày khéo kết chặt tơ duyên. Soi nhờ ánh tuyết nền thanh bạch, Giấu kín danh sơn nếp thánh hiền. Thập thuý tầm phương mùa náo nức, Lầu thơ xuân khoá bóng thuyền quyên. Tết năm Mậu Tuất 1958 Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30040
https://vi.wikisource.org/wiki/%E1%BB%9E%20%C4%91%E1%BB%9Di
Ở đời
Trần hải lênh bênh sóng lụt trời, Trần ai ai khóc lại ai cười; Khóc cười nào bởi lòng trời đất, Vui tẻ cho hay cái kiếp người; Biết số tránh sao cho khỏi số, Ở đời âu phải luỵ theo đời; Trầm năm giấc mộng thành không cả, Hơn thiệt nghìn sau một chữ tài. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30041
https://vi.wikisource.org/wiki/Qu%C3%A1n%20d%C6%B0%C6%A1ng%20li%E1%BB%85u
Quán dương liễu
Đôi cành quỳnh ngọc, đôi cành liễu, Chất ngọc quỳnh xinh, lá liễu tươi; Ngan ngát gió thơm trầm kết quạt, Bốn bề xuân khoá áng hương trời. Vườn thơ đôi cánh hồng mơn mởn, Đôi đoá đào non nhúng nhính cười. Giếng ngọc nước ngâm lòng mát rượi, Lời vàng nhạc nổi khúc chơi vơi. Quanh đây khói lửa nghìn phương dậy Lặng lẽ lòng mây ý Biển khơi Mưa sớm gọi về chiều nắng ấm Mành mành hoa lọt bóng trăng soi. 1949 Thơ Việt Nam
30042
https://vi.wikisource.org/wiki/Qu%C3%AAn%20r%E1%BA%B1m
Quên rằm
Mưa sao mưa mãi âm thầm, Mưa quên quên cả đêm rằm có trăng. Hôm nay ngỏ mặt chị Hằng, Hồi thăm người ở cung trăng thế nào? Cung trăng mưa gió thì sao? Trần gian mưa gió xiết bao lạnh lùng! Thơ Việt Nam Lục bát
30043
https://vi.wikisource.org/wiki/Qu%E1%BB%91c%20gia%20ngh%C4%A9%20c%E1%BA%A3m
Quốc gia nghĩ cảm
Đất Lạc trời Hồng cuộc gió mưa, Non sông muôn dặm dạng lờ mờ; Nỉ non đêm lạnh thương thân cuốc, Lặn lội sông sâu cảm phận cò; Ngọn nến tắt rồi chưa ráo lệ, Con tắm chết đến hãy còn tơ; Bốn bề bát ngát nhìn xa thẳm, Nước cũ hồn xưa những vẩn vơ. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30045
https://vi.wikisource.org/wiki/S%C6%A1%20gi%C3%A1%20Th%E1%BB%8Bnh%20%C4%90%C6%B0%E1%BB%9Dng
Sơ giá Thịnh Đường
(Hoạ đề Đường thi trích dịch) Men thơ dâng ý rượu ngà ngà, Đất rượu trời thơ mở nẻo qua. Đài Phượng chim ca quanh án sách, Đình trầm hương toả ngát song sa. Bút đầm ngọn thỏ sương về tối, Nghiên rực ao sen nắng quái tà. Chuông khánh Thịnh Đường ti trúc Việt Cổ kim nô nức hội tài hoa. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30046
https://vi.wikisource.org/wiki/Thanh%20minh%20%28%C4%90%C3%B4ng%20H%E1%BB%93%29
Thanh minh (Đông Hồ)
Giai tiết thanh minh đào lý tiếu (Hoàng Đình Kiên) Vui lắm thời xưa thuở thái hoà, Chim rừng dâng dậy nhạc âu ca; Sương đem bụi ngọc rây lên cỏ, Rêu mượt mình nhung đá nõn nà; Róc rách suối tuôn tràn mật ngọt, Màn căng the mỏng núi xa… xa; Khí lành thơm ngát nghìn hương lá, Bóng rủ về đây mây thướt tha; Đường uốn ven rừng từng biếc phủ, Hoang vu ngờ gặp bóng yêu ma; Mái tranh nhè nhẹ vương tơ khói, Nâng động Cô Liêu vẳng tiếng gà. Muôn cánh mai vàng muôn cánh bướm Tưng bừng yến tiệc náo làng hoa. Mái đầu giữ lại hồn Xuân rụng, Giọt lệ rơi theo nhịp ngón ngà, Chòm tóc tơ huyền trầm cuộn sóng, Hàng mi, thanh liễu gió la đà. Mẫu đơn say nắng hây hây đỏ, Hồng ánh lây sang tấm áo là. Gợn lụa in màu hoa tưởng nhớ, Đây mùa đào chín ửng làn da, Bên Nàng, tiên nữ thơm như mộng, Ngọc dịch hương vây chén tử hà. 1943 Thơ Việt Nam
30049
https://vi.wikisource.org/wiki/Thanh%20minh%20c%C3%B3%20m%C6%B0a%20ph%C3%B9n
Thanh minh có mưa phùn
Trận mưa như rửa bóng thiều quang, Đề tiết thanh minh cảnh đoạn trường? Trời đất khéo treo tranh ảm đạm, Non sông như ngậm về thê lương. Sè sè nắm đất người kim cổ, Phất phởi tro tàn cuộc hải tang. Nào khách trăm năm câu chuyện cũ? Rầu rầu ngọn cỏ nửa xanh vàng. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30050
https://vi.wikisource.org/wiki/Th%C4%83ng%20Long%20h%C3%A0nh
Thăng Long hành
Bão táp tơi bời trời cố quốc Gió mưa ủ rũ đất danh đô Tiêu điều cỏ lấp hoa Long Đỗ Lạnh lẽo trăng soi nước Kiếm hồ Bút Tháp viết trời xanh chữ hận Nghiên Đài tràn mực đậm màu thu Cầu Thê Húc thẹn son xưa nhạt Đình Trấn Ba khoe phấn mới tô Tháp đảo chơ vơ rùa nhớ kiếm Tượng vườn chót vót đá mong vua Báo Thiên rêu phủ hoang sơ tháp Núi Ngọc cây quanh ẩn ước chùa Lãng Bạc sóng xao hờn oán cũ Hành cung hương toả nhớ thương xưa Cá tươi Ngô Thuỷ sen Tây Trúc Nước mát Nghi Hà gió Vũ Vu Rồng phượng gấm giong buồm ngự đỉnh Ngựa xe bụi ngát lối hoa cù Hưng vong triều đại tan làn khói Kim cổ tang thương lạnh kiếp tro Trúc Bạch một toà đồng Trấn Vũ Đồng Nhân hai tượng đá anh thư Chiến công dấu kín thành Lầu Bắc Chính khí còn cao dấu Cột Cờ. Sư biểu muôn đời nền tịch mịch Cung tường trăm ngọn nửa hoang vu Cương lồng chinh mã què chân hạc Củi thổi quân lương chẻ chữ thờ Khoa bảng bia còn hàng chữ đá Khuê Văn gác sót bóng sao thưa Thái Hà núi dựng đền Trung Liệt Nước mất thành tan sống cũng thừa Vạch ruột thề lòng trung đạo nghĩa Nghiến răng nát lưỡi hận gian cừu Cờ đào áo vải non Tây phất Mà Đống Đa trông thấp thoáng gò Ngùn ngụt Đồng Quang đằng sát khí Đâu đây binh giáp tiếng reo hò Đống xương vô định cao trăm thước Giàu khó hiền ngu đắp một mồ Lác đác lá vàng gieo cỏ áy Oan hồn than khóc gió vi vu Ai xây đế bá trên đài máu Ai tưới vinh quang nước lệ châu Mùi đạo thâm trầm hương húng Láng Quân vương triều Lý thánh sư Từ Bác nhường cho cháu ngôi thiên hạ Phật hoá làm vua nẻo giác đồ Đá sắp hai hòn chồng khắng khít Chùa xây một cột đứng chơ vơ Lên chơi ai cũng lom khom cúi Chẳng khéo tu mà chẳng vụng tu Đồng chảy muôn cân lò Ngũ Xã Nung khuông đào chú đúc hư vô Di Đà tượng nở cười viên mãn Tay khéo Thần Quang quả phúc vo Tìm hỏi Hà Đông mười cảnh thắng Một dòng sông Nhuệ nước nông sờ Chợ vui mậu quý phiên đông đúc Dịp cũ hồng kiều bước ngẩn ngơ Mây rợp ngàn thông kỳ ỷ khuất Đạo nhân hái thuốc mãi bao giờ Người gầy há phải vì không thịt Đời tục riêng yêu khóm trúc bờ Má đỏ răng đen cô gái Việt Chia ngon giải ngọt nhớ lòng dưa Nam Minh một vỗ chim tung cánh Lầu Hạc nghìn năm mây phất phơ Chiếu rượu say sầu thơ bạn gái Cửa thuyền thêm cám cảnh làng nho Mày ngài má phấn khôn qua số Ngòi thỏ nghiên son dễ cuối mùa Lão phố vẫn còn hương vãn tiết Danh hoa thường phải nở trong mưa Dòng Tương lai láng từ thu ấy Dào dạt thu này lệ chửa khô Cựu thức tân tri nhường bỡ ngỡ Tà dương hảo cảnh khéo thờ ơ Ôm đàn lắng khúc Nam Huân cũ Lặng lẽ tay người lựa mối tơ Tình trước không hoà hai giọt lệ Duyên sau may hợp một dòng thơ Gương hồ vắng bóng soi dương liễu Ngùi ngậm ngâm từ Lê Bích Ngô Ánh thép loáng hồng gươm tráng sĩ Áo cừu rũ trắng bụi biên khu Lông hồng non Thái bên khinh trọng Chim Việt cành Nam gió ngựa Hồ Đầu bạc đang reo hò tuyệt tái Tuổi xanh chi đã khóc cùng đồ Hoa cài động Bích hoa thơm mãi Nước xuống nguồn Đào nước chảy mau Hồng nhạn về nam trời trở rét Trùng lai hoạ có đợi xuân sau Nghìn năm văn vật nghìn hoa lệ Nùng Nhị từ xưa những hẹn hò Cho kẻ qua rồi càng quyến luyến Cho người chưa đến cứ mong chờ Ai quen thuộc nghĩ không ly cách Ai lạ lùng không nghĩ hững hờ Phúc Xá bãi phơi niềm ý biệt Long Biên cầu nối đoạn tình xưa Gia Lâm mấy dặm tình trường đoản Ngọn cỏ dầm sương nặng khứ lưu Hoa cúc để gầy thu đất Bắc Tháng ngày vương một mối tương tư Thăng Long hành chép cho ai giữ Tờ mạc tần khai chữ ngọc thư Dạ nguyệt hoặc qua tiên thị hạc Hào lương tín lạc tử phi ngư Thơ Việt Nam
30051
https://vi.wikisource.org/wiki/Th%E1%BA%A5y%20gi%C3%B3%20b%E1%BA%A5c%20c%E1%BA%A3m
Thấy gió bấc cảm
Gió bấc nay đà tiễn gió thu, Mà sao chưa thổi hết cơn sầu. Người sầu nào phải sầu vì gió, Sầu bởi vì trông cuộc bể dâu! Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
30052
https://vi.wikisource.org/wiki/Th%E1%BB%AD%20t%C3%A0i%20L%C3%BD%20%C4%90%E1%BB%97
Thử tài Lý Đỗ
(Hoạ đề Đường thi trích dịch) Chớp mắt tàn theo mấy bể dâu, Nghìn xưa còn sống với nghìn sau. Thời gian mực xoá bờ kim cổ, Hồn mộng thơ xây nếp lầu. Đàn sáo dặt dìu ca vũ địa, Vàng son lộng lẫy đế vương châu. Đâu là Lý Đỗ, đâu Bùi Đỗ, Khéo trộn vào nhau cho lẫn nhau. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30053
https://vi.wikisource.org/wiki/Tr%C4%83m%20n%C4%83m
Trăm năm
Bên ngoài trời đã rạng đông Mẹ con mầy vẫn giấc nồng đang say Thăng trầm thế cuộc đổi thay U u thiên địa có hay biết gì Trăm năm ta ngủ li bì Tỉnh ra cỏ mọc xanh rì mộ bia. Thơ Việt Nam Lục bát
30054
https://vi.wikisource.org/wiki/Tr%C3%B4ng%20tr%C4%83ng%20nh%E1%BB%9B%20b%E1%BA%A1n%20%28I%29
Trông trăng nhớ bạn (I)
(Điệu Nga mi dương) Mảnh trăng tà, Dạo dưới hoa. Trông bóng thiềm lòng lại thiết tha, Tưởng đến người tri kỷ tình xa, Hương đào bát ngát, Cành trúc la đà. Bức tranh ly biệt mây giăng trước, Mỏi mắt quan hà dạ xót xa. Dạo dưới hoa, Mảnh trăng tà... Thơ Việt Nam
30055
https://vi.wikisource.org/wiki/Tr%C3%B4ng%20tr%C4%83ng%20nh%E1%BB%9B%20b%E1%BA%A1n%20%28II%29
Trông trăng nhớ bạn (II)
Năm ngoái đêm nay cũng tháng này, Cùng ai ta ngắm bóng trăng đây? Bóng trăng vẻ đẹp còn như trước, Vẻ đẹp người yêu có đổi thay! Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
30056
https://vi.wikisource.org/wiki/V%E1%BA%BFt%20h%E1%BA%ADn
Vết hận
Rung rinh trái ngọc đôi hoa nở, Nghìn vạn lung linh ánh thuỷ tinh; Đôi sợi tóc tơ vàng nhẹ vướng, Chân mây óng ánh bóng bình minh. Tay tiên ngoạn lộng loài trân bảo, Da ngọc ngà phô chất phẩm quỳnh; Ôi! Mắt quân vương viên bạch bích, Ngắm nhìn say đắm gia liên thành Phút giây ngưng đọng hồn mê mẩn, Viên ngọc rời tay… tiếng mỏng manh; Tiếng khẽ vang trong hồn nức nở, Lệ lòng trên mặt đá long lanh. Vết lông nhẹ rạn trên mình đá, Vết rạn qua sâu đáy ẩn tình Của kẻ vụng tay nâng hứng ngọc, Thương lòng mặt đá vết không lành. Từ xưa ngọc đẹp nào không vết, Biển đẹp nào không gợn bất bình? Duyên đẹp từ xưa nào lại chẳng Nghìn thu đeo vết hận ba sinh. 1946 Thơ Việt Nam
30057
https://vi.wikisource.org/wiki/Vi%E1%BB%87n%20trung%20mai%20hoa
Viện trung mai hoa
Quần phương chẳng nhoẻn đua nghìn nụ, Hoa quốc Xuân riêng chiếm một cành. Đình viện âm thầm hương ngát kín, Ngoài kia con bướm khéo loanh quanh. Thơ Việt Nam Thất ngôn tứ tuyệt
30058
https://vi.wikisource.org/wiki/V%E1%BB%8Bnh%20Chi%C3%AAu%20Qu%C3%A2n
Vịnh Chiêu Quân
Đất Hồ trời Hán ngậm ngùi, Tuyết sương quan tái đưa người cung phi. Được rày đã dễ mấy khi, Đem thân bồ liễu đền nghì quốc gia. Thơ Việt Nam Lục bát
30059
https://vi.wikisource.org/wiki/V%E1%BB%8Bnh%20T%C3%A2y%20Thi
Vịnh Tây Thi
Đài Tô người ngọc Ngô vương, Ôm lòng đòi đoạn trông càng thêm xinh. Đông Thi đâu biết ý mình, Thiếp đau lòng bởi chạnh tình bang gia. Thơ Việt Nam Lục bát
30060
https://vi.wikisource.org/wiki/V%C6%B0%E1%BB%9Dn%20ng%E1%BB%B1%20B%E1%BA%BFn%20Th%C3%A0nh
Vườn ngự Bến Thành
Non nước chưa về Xuân độc lập, Đừng hòng ăn được tết huy hoàng; Màu đào lênh láng thay hoa pháo, Hơn một mùa Xuân chịu tóc tang. Cả nước đang say men khói lửa, Vần thơ chinh chiến súng ngâm vang. Nhưng mà khi đến mùa, Xuân đến, Chim chuyển lời hoa gởi gió hương, Nghìn mối cảm thông bừng một lúc, Muôn lòng chung một nỗi Yêu đương. Rồi bao quản bút vung tay viết, Bao lá hồng đơn trải khắp đường. Trang chữ mực in còn nhánh ướt, Lời thơ bay bướm tứ hiên ngang; Biết bao châu ngọc rơi trên giấy, Như thuở Trần Lê, thuở Tống Đường. Vườn ngự Bến Thành xuân tấp nập, Cúc mai vàng ngập chợ hoa vàng; Người buôn hương sắc, mua hương sắc, Xe ngựa dòng xuân chảy ngổn ngang. Thôi hãy quên đi thời loạn lạc, Nhớ làm chi nữa chuyện kinh hoàng? Quên đi để hưởng giờ ân ái, Hưởng phút tưng bừng của nhớ thương. Thôi chớ bàn hoàn đừng thắc mắc, Giờ xuân chuông đã đổ vinh quang. Tết 1948 Thơ Việt Nam
30061
https://vi.wikisource.org/wiki/Xu%C3%A2n%20du%20th%E1%BB%AD%20%C4%91%E1%BB%8Ba%20v%C3%B4%20ph%C6%B0%C6%A1ng%20th%E1%BA%A3o
Xuân du thử địa vô phương thảo
Oanh yến xôn xao khắp nẻo đường, Hài văn thơ thẩn bước tầm phương. Dặm trần hồng nổi ngăn tin gió, Cầu ngọc lam chìm lạc dấu sương. Người đẹp qua rồi mùa thập thuý, Lòng thơm thoảng lại chút dư hương. Kinh thành khô héo tình biên tái, Mà để vương tôn những nhớ thương. Thơ Việt Nam Thất ngôn bát cú
30063
https://vi.wikisource.org/wiki/B%E1%BB%91n%20c%C3%A1i%20h%C3%B4n
Bốn cái hôn
“... Em nhớ: một sáng ngày mùa đông, Gió bấc ào ào tiếng hãi hùng Theo khe cửa sổ, gió thổi rít Chỉ nghe tiếng gió mà lạnh lùng! Em cuốn mình trong làn chăn đệm, Đệm cỏ, chăn bông em chẳng ấm, Bỗng như có một ánh than hồng. Chạm vào trán em chạy vào lòng, Lòng em ấm áp, hơi lạnh tan; Em nằm sung sướng mà bàng hoàng Sờ tay lên trán em mới biết: Hơi ấm âu yếm mẹ em hôn... ... Em nhớ: một buổi chiều mùa thu, Bấy giờ mẹ em mất đã lâu Trông chiếc lá rơi, em ủ rủ. Hơi may hiu hắt, em buồn rầu Mất mẹ, em mất tình âu yếm, Lạnh lùng, em thiếu hơi hôn ấm. Đứng tựa bên vườn em ngẩn ngơ Chợt thấy cha em về trước sân, Áo quần lấm láp vết phong trần, Chạy ra mừng rỡ đưa tay đón, Cúi xuống mái đầu, cha em hôn Từ hôm em được cha em hôn, Đầm ấm lòng em bớt nỗi buồn. Nhưng cha em mải bận xuôi ngược, Rày đó mai đây việc bán buôn... Em nhớ: một buổi trưa mùa hạ, Buổi trưa nặng nề, trời oi ả. Tựa cửa lớp học, em rầu rầu, Nghe tiếng ríu rít đàn chim sâu Trước sân, bè bạn em nô đùa Riêng em buồn cảm thân bơ vơ: Mẹ mất, còn cha, cha ít gặp, Một năm chỉ hai lần rước đưa!... Đi qua, gọi em hỏi sự tình. Cầm tay cô dắt lại bàn học, Ân cần, thương yêu vuốt mái tóc. Rồi cô âu yếm hôn tay em, Lộng qua cửa lớp cơn gió nồm, Bao năm buồn bực, gió thổi mát, Cái hôn như ngọn gió êm đềm... Nay em đang giữa cảnh đêm xuân Gió trăng tình tứ đêm thanh tân Trước vùng trời biển cảnh lồng lộng, Cùng anh trao đổi tình ái ân Khoác tay anh đi trên bãi cát, Cát bãi, trong soi màu trắng mát. Nghiêng đầu lơi lả tựa vai anh, Lặng nghe sóng bãi đưa rào rạt. Nước mây êm ái bóng trăng sao, Say sưa em nhìn lên trời cao, Buông khúc đàn lòng theo nhịp gió. Giờ phút thần tiên hồn tiêu dao Một hơi thở mát qua, dịu dàng, Như cơn gió biển, thoáng bay ngang Rồi luồng điện ấm chạm trên má: Ân ái môi anh kề nhẹ nhàng. Nũng nịu, em ngả vào lòng anh, Ngẩn ngơ ngừng lặng giây cảm tình Tóc em xoã tung, tay gió lướt, Bàng hoàng em nhớ chuyện sau trước: Đời em khoảng hai mươi năm hơn Được hưởng bốn lần âu yếm hôn Bốn lần em thấy em sung sướng, Mưa gió đời em đỡ lạnh buồn. Nhưng, từ khi em thôi học rồi, Cùng cô giáo em không gặp gỡ. Mà rồi từ đó em lớn khôn, Cha em cũng chẳng hôn em nữa, Ba lần hôn kia em mất rồi, Lần này biết có được lâu dài Nước bèo, em nghĩ đời chia biệt, Mà lệ sầu em thổn thức rơi!.... Thơ Việt Nam
30064
https://vi.wikisource.org/wiki/C%C3%B4%20g%C3%A1i%20xu%C3%A2n%20%28th%C6%A1%29
Cô gái xuân (thơ)
Trong xóm làng trên, cô gái thơ, Tuổi xuân mơn mởn vẻ đào tơ Gió đông mơn trớn bông hoa nở, Lòng gái xuân kia vẫn hững hờ. Lững thững lên trường buổi sớm chiều, Tập tành nghiên bút, học may thêu Quần đen, áo trắng, khăn hồng nhẹ, Ngọn xoã ngang vai, tóc bỏ đều Lá rợp cành xoài bóng ngả ngang, Cô em dừng bước nghỉ bên đường, Cởi khăn phẩy giọt mồ hôi trán, Gió mát lòng cô cũng nhẹ nhàng. Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh, Lòng cô phất phới biết bao tình. Vội vàng để vở bên bờ cỏ, Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh. Áo trắng khăn hồng gió phất phơ, Nhẹ nhàng vui vẻ nét ngây thơ Trông cô hớn hở như đàn bướm, Thong thả trời xuân mặc nhởn nhơ. Đàn bướm bay cao, cô trở về, Sửa khăn, cắp sách lại ra đi, Thản nhiên, cô chẳng lòng thương tiếc, Vì bướm ngày xuân chẳng thiếu chi! Cũng xóm làng trên cô gái thơ, Tuổi xuân hơn hớn vẻ đào tơ. Gió đông mơn trớn bông hoa nở, Lòng gái xuân kia náo nức chờ. Tưng bừng hoa nở, bóng ngày xuân, Rực rỡ lòng cô, hoa ái ân. Như đợi, như chờ, như nhớ tưởng, Đợi, chờ, tưởng, nhớ bóng tình quân. Tình quân cô; ấy sự thương yêu, Đằm thắm, xinh tươi, lắm mỹ miều Khao khát, đợi chờ, cô chửa gặp, Lòng cô cảm thấy cảnh đìu hiu. Một hôm, chợt thấy bóng tình quân, Gió lộng mây đưa thoáng đến gần. Dang cánh tay tình, cô đón bắt, Vô tình mây gió cuốn xa dần. Gót ngọc phăng phăng cô đuổi theo: “Tình quân anh hỡi! Hỡi người yêu! “Gió mây xin để tình quân lại; “Chậm chậm cho em nói ít điều...” Than ôi! Mây gió vẫn vô tình, Cuồn cuộn bay trên ngọn núi xanh. Nhìn ngọi núi xanh, mây khói toả, Mắt cô, đôi giọt lệ long lanh. Lá rợp cành xoài bóng ngả ngang, Cô em dừng bước nghỉ bên đường. Cởi khăn phẩy gió mồ hôi trán, Gió mát, lòng cô những cảm thương. Lủi thủi bên đường, cô ngẩn ngơ Chốn này, đuổi bắt bướm ngày xưa, Cô buồn, cô tiếc, cô ngui ngậm, Cô nhớ ngày xuân, nhớ tuổi thơ: “Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh, “Lòng cô phất phới biết bao tình. “Vội vàng để vở bên bờ cỏ, “Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh... “Đàn bướm bay cao, cô trở về, “Sửa khăn cắp sách lại ra đi “Thản nhiên, cô chẳng lòng thương tiếc, “Vì bướm ngày xuân chẳng thiếu chi!....” Ái tình nào phải bướm ngày xuân, Tình ái ngày xuân chỉ một lần. Một thoáng bay qua không trở lại, Gái xuân rỏ lệ khóc tình quân! Thơ Việt Nam
30065
https://vi.wikisource.org/wiki/Tu%E1%BB%95i%20xu%C3%A2n
Tuổi xuân
Kể từ khi quen nhau Vừa mười ba tuổi đầu Tuổi xuân, tuổi vui sướng Nào có biết chi sầu Quen nhau thì yêu nhau Yêu nhau quấn quít nhau Quây quần trong một tổ Như đôi chim bồ câu Ngày tháng chỉ mong cầu Bên nhau được dài lâu Sum vầy lòng những ước Ly biệt có ngờ đâu Muốn thế, vẫn được thế Ai khéo chiều nhau tệ Bao những cuộc vui cười Cùng nhau cùng chia sẻ - Anh ơi, em muốn học Anh hãy dạy em đọc Dạy em không? Hở anh? Không dạy em, em khóc - Em đừng làm nũng chứ! Hãy nói anh nghe thử Em muốn học chữ gì? - Em muốn học Quốc ngữ! Quốc ngữ chữ Việt Nam Này thơ em, anh xem - Anh nghe, em cứ đọc! - Thơ rằng: “Anh yêu em!...” “Em muốn dạy anh thêu - Yêu em, anh phải chiều, - Chỉ kim, anh thử lựa, Nghe lời em, em yêu Này! Anh thêu khéo chán, Ngàn mây đôi chiếc nhạn Chắp cánh tung trời bay, Trăm năm cùng kết bạn - Tươi thắm bức lụa là, Đôi chim nhạn kông già Đời mình âu cũng thế Ngày xuân ở với ta... - Này anh, buổi thư nhàn Em dạy anh học đàn - Học đàn khó! - Đâu khó! Chỉ đôi tiếng nhặt khoan!... Khoan nhặt đôi đường tơ Lay động đôi lòng thơ Gảy nên khúc tình ái Khúc dứt, lòng ngẩn ngơ... Buông bắt bên tơ trúc, Nhìn em, năm ngón ngọc, Năm búp măng nõn nà, Mải nhìn đàn chửa thuộc... “Anh ơi! Em muốn chơi, Non nước chốn này vui...” Âu yếm, cầm tay dắt Cùng nhau hưởng cảnh trời Ngày lặng, màu hoa cỏ, Đêm thanh, thú trăng gió Cảnh trời với lòng người Biết bao lần gặp gỡ. “Anh! Em muốn chơi thuyền Một ngày ta làm tiên...” Buông buồm theo ngọn gió, Sóng nước những triền miên Trời biển cảnh lồng lộng, Đôi tấm lòng rung động. Kề vai sẽ tựa nhau, Chập chờn trong giấc mộng. Bên rừng chiếc là rơi, Mặt nước, cánh hoa trôi Chòm mây bay tản mác, Đôi nhạn rẽ phương trời Trông cảnh, em ngậm ngùi Nhìn anh, em thở dài, Cảm nghĩ chuyện dời đổi Giọt lệ bắt đầu rơi!... Biết đời từ hôm ấy Tuổi lớn, ngày dần thấy: Chuyện buồn đưa đến thường, Ngày vui không có mấy Đôi lứa cũng xa nhau Tuổi xuân còn mãi đâu Biệt ly nay mới biết, Chi xiết nỗi thuơng đau Giọt lệ một lần ứa, Biết bao lần chan chứa; Một lần khi bắt đầu, Biết bao lần sau nữa! Chốc, mười mấy năm trời, Trăm nghìn cảnh đổi dời, Nói đến chuyện gặp gỡ Sóng ngược lại bèo xuôi! Cuộc đời những lăn lóc. Tiếng cười đổi tiếng khóc Nào đâu bạn trẻ thơ Cùng ta kề mái tóc? Buồn nhớ cảnh năm xưa Lòng riêng những thẫn thờ Tóc xanh hồ đã bạc, Luống tiếc tuổi ngây thơ! Thơ Việt Nam
30066
https://vi.wikisource.org/wiki/Trinh%20tr%E1%BA%AFng
Trinh trắng
Bụi rượu Bến Thành Chuỗi ngọc Đêm liêu trai Nước Thiên địa gian Trinh trắng Xuân bất tận Tập thơ
30067
https://vi.wikisource.org/wiki/B%E1%BB%A5i%20r%C6%B0%E1%BB%A3u%20B%E1%BA%BFn%20Th%C3%A0nh
Bụi rượu Bến Thành
Bến Thành bụi rượu mê man, Bụi tung chếnh choáng, rượu tràn ngất ngâỵ Ý thơ chợt thoáng về đây, Tơ men vương nhẹ đã bay đâu rồi! Mình ta quán lẻ chơi vơi, Sao hôm một điểm bên trời cô đơn. Mây thuyền trôi giữa hoàng hôn, Gió chèo nhịp nước, trời xôn xao lòng, Sóng thuyền buông tóc bềnh bồng, Phấn bay tà áo nở bông-kiếng-cò. “Bắp non mà nướng lửa lò, Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm” Thơ Việt Nam Lục bát
30068
https://vi.wikisource.org/wiki/Chu%E1%BB%97i%20ng%E1%BB%8Dc
Chuỗi ngọc
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về Nhặt ngôi sao lạc đêm thanh khiết, Vớt điểm hào quang đáy biển sâu. Hứng giọt bình minh từng lá cỏ, Chàng đưa Em giữ chuỗi minh châu. Hớn hở tay Chàng rung ánh sáng, Mười đầu ngón nở ý yêu đương. Và lòng Chàng nở niềm âu yếm, Đem đắp vào Em chuỗi Mến thương. Em giấu vào lòng sâu kín nhất, Đeo vào vòng ngực trắng trinh hơn. Một lần, chỉ một lần hôm ấy, Nghĩ suốt đời Em, ngọc hãy còn. Em có ngờ đâu cơn lửa binh, Cho tràng châu ngọc vỡ tan tành. Ngọc rơi. Ôi! Cũng như hoa rụng, “Đáo địa nhất vô thanh”. Chuỗi ngọc Chàng cho Em, mất rồi! Còn đây một chuỗi Tiếc thương dài, Và đây, vạn giọt lòng ngưng đọng; Ý ngọc Tình châu chớp mắt rơi... Sao lạc không về, Trời thổn thức, Nước chìm điểm sáng, Biển bâng khuâng. Sương tan, Cỏ héo lòng thương nhớ, Ngọc mất, Chàng xa. Lệ ngập ngừng. Thơ Việt Nam
30069
https://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%C3%AAm%20li%C3%AAu%20trai
Đêm liêu trai
Yếm tác nhân gian ngữ (Bồ Tùng Linh) Cánh mộng từ đây thôi khép lại, Đêm đêm bút mực tặng ai đây. Thời gian dằng dặc dài: Thương nhớ; Vũ trụ mênh mông vắng: Đoạ đày. Còn nhớ đêm nào đương thuở ấy: Ngàn thông reo tiếng, gió lung lay. Tơ trăng mảnh rướm sau rèm lá, Tay mới cầm tay dậy đắm say. Ngờ ngợ như quen từ kiếp trước, Ái ân bừng cảm phút giây này. Lòng hoa ngậm kín hồn trinh trắng, He hé mùa yêu ngát mái tây. Một phút cảm thông tình vạn thuở, Sông hồ còn vướng gió trăng đầy. Qua rồi lạnh lẽo lòng chăn gối, Chờ đợi đìu hiu tháng với ngày. Đã thấy lâng lâng niềm giản dị, Lòng tan theo nước, ý theo mây. Thơ Việt Nam
30070
https://vi.wikisource.org/wiki/N%C6%B0%E1%BB%9Bc
Nước
Người đời tiếc hão cho hoa rụng, Hoa rụng, năm sau nở nụ cười. Chỉ đáng thương cho giòng nước chảy, Một đi không lại cuộc đời trôi! Thơ Việt Nam
30071
https://vi.wikisource.org/wiki/Thi%C3%AAn%20%C4%91%E1%BB%8Ba%20gian
Thiên địa gian
Ôi, trót sanh làm người Sống giữa khoảng Đất Trời. Mênh mông biển Vũ trụ, Hạt bụi lửng lơ trôi. Ôi, trót sanh làm người Giữa thế giới tôi đòi. Mênh mông biển Nước mắt, Góp một dòng lệ rơi. Đem tấm lòng hạt bụi Gói ghém cho Đất Trời. Ngưng một giọt nước mắt, Cho Biển đời lệ vơi. Đất Trời to rộng quá, Một tấm lòng lẻ loi. Goí ghém mãi không kín, Gió mưa lòng tả tơi. Biển lệ sầu vô tận. Nước mắt ngừng, không vơi, Tháng ngày ngưng đọng lại: Suối sông dòng láng lai. Thơ Việt Nam
30072
https://vi.wikisource.org/wiki/Trinh%20tr%E1%BA%AFng%20%28th%C6%A1%29
Trinh trắng (thơ)
Mơn mởn đồng thơm lá cỏ non, Hồn đêm chưa có dấu sương mòn; Ao tràn mưa ngọt bờ hoang dại, Bèo nở xinh xinh cánh nhỏ tròn. Chầm chậm triều lui biển xuống rồi, Nõn nường cát ngỏ ý Xanh khơi; Bâng khuâng nhạc Sóng không lên tiếng, Dìu dịu Bình Minh tắm nắng tươi. Lụa cởi, da Chiều Núi tuyết băng, Làn son phơn phớt hé môi Trăng. Thiu thiu khoé mắt Sao mơ mộng, Hồ trải lòng gương nước thẳng bằng. Giấy mở tơ nhưng óng mỡ ngà, Ảo huyền nhựa Mực sánh tinh hoa; Sương đầm ngòi thỏ run run nét, Đường Tống hồn xưa ngón nõn nà. Lối về Xóm ấy nhiều đom đóm, Nhấp nhánh Thiên hà ngập bước sao; Ngỡ lạc tiền thân vào xứ mộng, Lòng tiên, nghe tiếng gọi, nao nao. Bên mái Trăng non đêm quá nửa, Muôn Hương vườn ngậm cánh mong manh; Gió mơ, lá ngủ, sương đi lảng, Bẽn lẽn hoa Quỳnh hé ý Trinh Thơ Việt Nam
30073
https://vi.wikisource.org/wiki/Xu%C3%A2n%20b%E1%BA%A5t%20t%E1%BA%ADn
Xuân bất tận
Không quá khứ, không vị lai, Thời gian xuân giữ thắm tươi hoài. Từ lâu xanh vẫn mơn cành liễu, Và mãi vàng luôn đượm cánh mai. Cuộc thế mị thường cơn mộng lớn, Nguồn xuân bất tận suối thơ dài. Làm chi năm một lần khai bút, Bút đã khai từ thiên địa khai. Thơ Việt Nam
30075
https://vi.wikisource.org/wiki/B%E1%BB%99i%20lan%20h%C3%A0nh%20%28th%C6%A1%29
Bội lan hành (thơ)
Nhẫn thu lan dĩ vi bội (Ly tao) Trăm kém hai dòng lệ Gởi lại Mái Trăng Non Gởi theo gió ly tán Khắp làng thơ đau buồn Lệ khô lòng tấm tức Chưa hết nỗi oan hờn Lệ khô rồi lệ nhỏ Quán khách khóc cô đơn Mực đọng sầu trên giấy Vần gieo lòng bài thơ Lệ gieo lòng đau khổ Sương đọng trên cành khô Lệ đọng sầu trên gối Thuyền neo bến mộng bơ vơ Non xanh xanh Nước xanh xanh Non tan tành Nước tan tành Gởi ai nước non bài hành... Thơ Việt Nam
30076
https://vi.wikisource.org/wiki/Hai%20lo%C3%A0i%20hoa%20l%E1%BA%A1
Hai loài hoa lạ
Biết tiếng chưa quen mặt Biết mặt lại yêu lòng Đôi tấm lòng nhi nữ Khẳng khái và anh hùng Đôi cành danh hoa ấy Nở trong cảnh gió mưa Mưa sa và gió táp Hớn hở nét đào thơ Trải bao cảnh nạn khổ Thịt nát với xương tan Giam cầm được thể chất Sao cầm được linh hồn Nghĩ rằng đem nước mắt Than khóc cho loài người Sao bằng đem máu đỏ Điểm cho đời thêm tươi Mỉm cười nhỏ giọt máu Từ trong tim nóng sôi Để rửa cho nhân loại Những vết bẩn muôn đời 1938 Thơ Việt Nam
30077
https://vi.wikisource.org/wiki/T%C3%A0i%20hoa%20ph%C3%B4
Tài hoa phô
Hơn hớn má đào đôi quả Hây hây xuân thắm mười ba Hé cánh song hồ êm ả Hài xuân nhè nhẹ bước qua Từng bước noi lề kim cổ Đôi bờ có cánh hoa hiền Bạn bè bốn mùa trăng gió Rừng em suối chị giao duyên Thơ Việt Nam